Chiều 22.4, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã phát động “Chiến dịch thi đua cao điểm 40 ngày” thực hiện Chương trình “1 triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19” (gọi tắt là Chương trình 1 triệu sáng kiến).
Mục tiêu của đợt thi đua cao điểm là từ nay đến 31.5, hoàn thành chỉ tiêu có 300.000 sáng kiến đăng ký trên phần mềm trực tuyến của Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Các nội dung, giải pháp cụ thể gồm LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam nghiên cứu tổ chức “Tuần cao điểm”, “Tháng cao điểm” để động viên đoàn viên, người lao động phát huy sáng kiến, cải tiến, cập nhật trên hệ thống phần mềm của Chương trình.
Các cấp Công đoàn đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của Chương trình, các mô hình mới, cách làm sáng tạo, các câu chuyện về sáng kiến, sáng kiến tiêu biểu; tập trung tuyên truyền trên các trang mạng xã hội gần gũi với đoàn viên, người lao động cùng với khẩu hiệu “Tự hào trí tuệ lao động Việt Nam”.
Người đứng đầu Công đoàn các cấp thể hiện tinh thần quyết tâm, tập trung chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát triển khai chương trình; phân công cụ thể nhiệm vụ gắn với trách nhiệm lãnh đạo phụ trách, tham mưu, hướng dẫn triển khai các nội dung liên quan đến chương trình.
Xây dựng sự ủng hộ, đồng thuận, phát huy hiệu quả trong công tác phối hợp, tạo điều kiện của thủ trưởng cơ quan, đơn vị và người sử dụng lao động trong doanh nghiệp cho Chương trình.
Thành lập, phát huy vai trò của Tổ hỗ trợ sáng kiến của công đoàn các cấp (nhất là tại công đoàn cơ sở) trong công tác tham mưu, hướng dẫn, giúp đỡ đoàn viên tham gia nộp sáng kiến, quản lý, tổng hợp và thực hiện nhiệm vụ quản trị sáng kiến của các đơn vị.
Đưa chỉ tiêu thực hiện Chương trình vào nội dung xếp loại thi đua của các cấp Công đoàn.
Nghiên cứu các giải pháp sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn và đặc thù của địa phương, ngành; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, đặc biệt là khó khăn của đoàn viên, người lao động trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khi tham gia đăng tải sáng kiến.
Trong giai đoạn này, tập trung huy động sự tham gia và sáng kiến của đoàn viên, người lao động khu vực sản xuất, kinh doanh; cán bộ, công chức, viên chức (nhất là ngành giáo dục, y tế)…
Phát biểu tại lễ phát động, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải nhấn mạnh tầm quan trọng của LĐLĐ các tỉnh, thành khu vực Đông Nam Bộ và Công đoàn Caosu Việt Nam trong việc thực hiện Chương trình Một triệu sáng kiến góp phần tích cực khôi phục, phát triển kinh tế đất nước.
Đồng thời, đề nghị LĐLĐ các tỉnh, thành khu vực Đông Nam Bộ và Công đoàn Caosu Việt Nam phấn đấu thực hiện từ nay đến hết 31.5 có gần 84.200 sáng kiến. Trong đó LĐLĐ TPHCM thực hiện gần 43.100 sáng kiến; LĐLĐ tỉnh Bình Dương thực hiện gần 23.400 sáng kiến; LĐLĐ tỉnh Đồng Nai thực hiện gần 5.000 sáng kiến; LĐLĐ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thực hiện hơn 3.500 sáng kiến; LĐLĐ tỉnh Long An thực hiện gần 1.450 sáng kiến; LĐLĐ tỉnh Tây Ninh thực 6.000 sáng kiến; Công đoàn Caosu Việt Nam thực hiện 1.760 sáng kiến.
(Nguồn : Nam Dương; laodong.vn)