Diện mạo Thành phố Hồ Chí Minh sau 47 năm giải phóng

Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ có những chiến tích oai hùng trong chiến tranh mà còn là một trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, đi đầu của cả nước. Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay đang từng bước phát triển thành một đô thị, trung tâm tài chính hiện đại bậc nhất khu vực Đông Nam Á.

Từ bưng biền thành phố thị

Trong ký ức của kiến trúc sư Khương Văn Mười, Sài Gòn ngày xưa, sông một bên, thành phố một bên. Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay đã đổi khác, sông đã nằm giữa đô thị, hai bên là những tòa nhà chọc trời được kết nối bằng những cây cầu, tuyến hầm vượt sông. Nhắc đến Sài Gòn ngày xưa, người ta hay nhắc đến quận 1, quận 5, sau này là khu đô thị Phú Mỹ Hưng, còn nay người ta sẽ nói về Thủ Thiêm. Đây là những đô thị mới sẽ góp phần hình thành tạo nên diện mạo mới cho Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhìn qua Thủ Thiêm, ta thấy đó là một đô thị hiện đại, có bản sắc, bám vào bờ sông, tiếp nữa là có sự nối kết với đô thị cũ tại quận 1. Đó chính là bản sắc đô thị của Thành phố Hồ Chí Minh trong tương lai và hiện tại đang từng bước hình thành.

Còn với người gắn trọn cả cuộc đời với vùng đất bưng biền (quận 2, 9, Thủ Đức trước đây) như ông Nguyễn Văn Hịnh thì mỗi lần chứng kiến sự thay da đổi thịt của thành phố mang tên Bác vẫn không tránh nổi cảm xúc lâng lâng. Từ vùng đất bưng biền đa phần là lau sậy, sình lầy, đò giang cách trở với khu trung tâm thì nay lại đã trở thành đô thị hiện đại bấc nhất Thành phố Hồ Chí Minh với Khu đô thị Thủ Thiêm, Khu công nghệ cao, làng đại học. Cầu Sài Gòn, Cầu Phú Mỹ, hầm Thủ Thiêm, cầu Thủ Thiêm… những công trình đã giúp đánh thức vùng đất gắn với nhiều chiến tích oai hùng thời kháng chiến vươn mình, không chỉ là điểm đến của các nhà đầu tư trong nước mà dòng vốn ngoại cũng đang dồn dập đổ về.

Trong thời gian tới, khi đường Vành đai 2 hoàn thành là có thể kết nối khu nam, khu đông, khu tây thành một vành đai khép kín. Khi ấy, từ đại lộ Đông Tây qua hầm vượt sông Sài Gòn, băng ngang đường vành đai, ra đường cao tốc, như một dải lụa mềm đã kết nối toàn bộ phía nam và đông thành phố với nhau. Nhờ quyết tâm mạnh mẽ của thành phố mà bộ mặt của khu đông – thành phố Thủ Đức giờ đây đã bừng sáng.

Diện mạo TP Hồ Chí Minh sau 47 năm giải phóng -0
 Đô thị khu nam, Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh, sự vươn mình phát triển của thành phố Thủ Đức chính là minh chứng điển hình cho sự phát triển của kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh trong những năm gần đây. Hạ tầng giao thông như đầu tàu kéo dậy cả vùng đất. Các dự án với số vốn lên đến hàng tỷ USD dồn dập đổ về. Những dự án tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu công nghệ cao, làng đại học, khu đô thị Đông Tăng Long… là minh chứng cụ thể nhất về sự năng động, sáng tạo, về tinh thần, quyết tâm đồng lòng của người dân thành phố.

47 năm sau ngày giải phóng miền nam, đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành một trung tâm lớn của cả nước về nhiều mặt, một đô thị đặc biệt với nhiều khát vọng vươn cao. Trong giai đoạn 2016-2020, kinh tế thành phố bình quân tăng trưởng 7,72%/năm, tiếp tục giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước, đóng góp hơn 22% GDP và 27% tổng thu ngân sách cả nước.

Vượt bão vươn lên

Đang trên đà phát triển thì đại dịch Covid-19 lần thứ 4 ập đến đã đánh một đòn mạnh đến mức gây nên sự sụt giảm nghiêm trọng ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế, sốc tiêu cực xảy ra ở cả tổng cung lẫn tổng cầu của Thành phố Hồ Chí Minh. Tổn thất thấy rõ ở mỗi cá nhân, hộ gia đình.

Lao động, việc làm suy giảm mạnh. Doanh nghiệp kiệt quệ tài chính. Tỷ lệ người khó khăn cần trợ cấp lên đến 40%-50% dân số Thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt, trên 60% các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố phải ngừng hoạt động, kéo theo hàng trăm ngàn lao động mất việc làm. Và cũng hàng trăm nghìn lao động tạm thời từ bỏ cuộc mưu sinh, rời thành phố trở về quê nương tựa gia đình để tìm sự an toàn trong cơn đại dịch. Một bộ phận người lao động do bị tác động của đại dịch có tâm lý hoảng loạn, sang chấn tâm lý, không muốn quay lại làm việc.

Khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng bằng nội lực, quyết tâm và sự chung tay của cả nước, thành phố mang tên Bác đã nhanh chóng vượt qua cơn bão vô hình ấy, từng bước đứng dậy. Với truyền thống đoàn kết, sáng tạo của một thành phố anh hùng, Thành phố Hồ Chí Minh tự tin giữ vững vị trí “đầu tàu” kinh tế của cả nước, tiếp tục bứt phá, vươn lên.

Diện mạo TP Hồ Chí Minh sau 47 năm giải phóng -0
Trung tâm quận 1 nhìn từ phía Sông Sài Gòn.

Sau hơn nửa năm trở lại trạng thái “bình thường mới”, nhịp sống ở đô thị lớn nhất cả nước này đã trở lại như vốn có. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong quý I/2022, người lao động tại Thành phố Hồ Chí Minh có thu nhập cao nhất cả nước với khoảng 8,9 triệu đồng/người, tăng 36,5%, tương ứng tăng 2,4 triệu đồng so với quý trước. Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã lấy lại ngôi vị dẫn đầu  về xuất khẩu của cả nước từ tay Bắc Ninh khi thành phố thu về gần 9 tỷ USD chỉ trong 2 tháng đầu năm 2022, tăng 12,5% so với cùng kỳ.

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố từ âm -24,97% và -11,64% lần lượt trong quý III và IV/2021 nay đã tăng 1,88%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố quý I/2022 ước thực hiện hơn 121.000 tỷ đồng, đạt 31,3% dự toán và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái…

Những con số biết nói nêu trên phản ánh sự phục hồi và phát triển kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đang rất khả quan. Điều này cho thấy dư địa, tiềm lực và sức sống của doanh nghiệp kinh tế thành phố. Đến nay, trên 98% các cơ sở sản xuất đã mở cửa nhà máy, phân xưởng sản xuất, lưu thông hàng hóa thông suốt, không bị đứt gãy. Các điểm bán lẻ, hệ thống phân phối, nhà hàng, khách sạn, hàng quán kinh doanh ăn uống,… đã mở cửa trở lại toàn hệ thống, tổ chức kinh doanh song song cả phương thức trực tiếp (offline) và trực tuyến (online).

Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương tổn thương nhiều nhất trong đại dịch nhưng cũng phục hồi sớm nhất.

Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay

Những khó khăn nhất, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã vượt qua. Cả hệ thống chính quyền và người dân thành phố đang hối hả bắt tay vào công cuộc kiến thiết lại thành phố. Thành phố Thủ Đức mới chỉ ở giai đoạn đầu phát triển. Các tuyến cao tốc, tuyến đường vành đai, những cây cầu kết nối với tỉnh bạn, với vùng kinh tế trọng điểm phía nam cũng đang được gấp rút triển khai xây dựng.

Trong những ngày cuối tháng 4, để chào mừng ngày 47 năm giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, Thành phố Hồ Chí Minh đã gấp rút hoàn thành những dự án giao thông quan trọng như cầu Thủ Thiêm 2, đường song hành đại lộ Võ Văn Kiệt, tỉnh lộ 9; đồng thời khởi công những dự án nhà ở xã hội, nhà lưu tái định cư, nhà lưu trú cho công nhân… như một lời khẳng định, thành phố sẽ không bao giờ dừng lại trên con đường xây dựng một Thành phố Hồ Chí Minh hiện đại, nghĩa tình, đáng sống.

Diện mạo TP Hồ Chí Minh sau 47 năm giải phóng -0
 Tuyến đường Võ Văn Kiệt kết nối khu tây và khu đông Thành phố Hồ Chí Minh.

Hình hài Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay đã có trung tâm đô thị hiện hữu cùng với Thành phố Thủ Đức và các khu đô thị bắc, tây, nam gắn với chuỗi đô thị của vùng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, Vùng Kinh tế trọng điểm phía nam…; Thành phố cũng sắp có tuyến Metro, có hệ thống giao thông (đường hầm, đường bộ, đường sông…) kết nối các khu đô thị, kết nối với các vùng kinh tế trọng điểm.

Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất cả nước. Các lĩnh vực văn hóa xã hội có tiến bộ, đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của người dân được nâng cao. Các hoạt động đối ngoại, hợp tác và hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp chuyển biến tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.

Quan trong hơn, tài sản mà Thành phố Hồ Chí Minh trước nay luôn có là sự năng động, sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm của người dân, doanh nghiệp và chính quyền.

VŨ NGUYÊN – Báo Nhân dân.
Chia sẻ:

TIN MỚI

SỰ KIỆN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN