Kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28.7.1929 – 28.7.2024): Vì việc làm, đời sống của đoàn viên – lao động

95 năm là cột mốc quan trọng, đánh dấu sự bền bỉ của tổ chức Công đoàn Việt Nam nói chung, Công đoàn TP HCM nói riêng trong quá trình đồng hành xây dựng đất nước và giai cấp công nhân Việt Nam

Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, tổ chức Công đoàn Việt Nam luôn hướng tới người lao động (NLĐ), đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng, bảo vệ đất nước và xây dựng giai cấp công nhân (CN) ngày càng lớn mạnh. Trong đó, Công đoàn TP HCM tự hào là tổ chức phát triển lớn mạnh, tạo nên sức lan tỏa trong mỗi phong trào, mỗi hoạt động.

Điểm sáng Công đoàn TP HCM

Trong mỗi giai đoạn phát triển, hoạt động Công đoàn TP HCM luôn có bước chuyển mình để đáp ứng với tình hình, đáp ứng nguyện vọng của hơn 1 triệu đoàn viên. Rất nhiều mô hình hoạt động do LĐLĐ TP khởi xướng với mục tiêu chăm lo tốt hơn cho CNVC-LĐ tại địa phương tạo được dấu ấn mạnh mẽ, có sức lan tỏa rộng khắp và được nhân rộng trên toàn quốc. Trong đó phải kể đến mô hình Quỹ Trợ vốn cho NLĐ nghèo tự tạo việc làm (nay là Tổ chức Tài chính vi mô CEP), chương trình “Tấm vé nghĩa tình”, Giải thưởng Tôn Đức Thắng, đặc biệt là mô hình Tháng CN.

Theo ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, Tháng CN là sáng kiến đặc biệt của Công đoàn TP HCM, được khởi động lần đầu tiên vào năm 2009 tại Cung Văn hóa Lao động TP với chủ đề: “Vì việc làm, đời sống CNVC-LĐ” nhằm tạo nên một đợt hoạt động cao điểm kéo dài suốt tháng 5 gồm các nội dung: Hội thi “Bàn tay vàng”, chương trình “Cùng CN vượt khó”, “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, “Giờ thứ 9”. Điểm nhấn các chương trình này là hướng mạnh về cơ sở, thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của CNVC-LĐ; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định.

Ngay lần đầu tổ chức, Tháng CN đã tạo được sức lan tỏa, được đông đảo CNVC-LĐ và cộng đồng doanh nghiệp (DN) hưởng ứng, được sự quan tâm sâu sắc của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Đánh giá tác động tích cực mà Tháng CN đem lại, Công đoàn TP đã duy trì tổ chức đợt hoạt động này hằng năm với nội dung ngày càng được đầu tư, đổi mới nhằm tiếp cận đông đảo đoàn viên – lao động. Tiêu biểu trong Tháng CN năm 2024 đã có nhiều điểm sáng như chương trình “Cảm ơn NLĐ” đã tiếp sức cho 31.207 đoàn viên – lao động với tổng số tiền hơn 156 tỉ đồng.

Từ ý tưởng của Công đoàn TP HCM, Tháng CN được Tổng LĐLĐ Việt Nam nhân rộng ra toàn quốc. Năm 2012, Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định lấy tháng 5 hằng năm là Tháng CN theo Thông báo số 77 ngày 24-2-2012. Từ đó đến nay, Tháng CN đã thực sự trở thành đợt lễ hội lớn dành cho NLĐ, hoạt động ngày càng phát triển rộng hơn, gắn với nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên – lao động, trở thành trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức Công đoàn, DN cùng hành động vì hạnh phúc của NLĐ.

Tháng CN không chỉ diễn ra sôi nổi ở TP HCM mà còn lan rộng, để lại ấn tượng sâu sắc với NLĐ trên cả nước. LĐLĐ TP Hà Nội đã tổ chức chuỗi hoạt động khám sức khỏe, tầm soát ung thư miễn phí cho 4.617 NLĐ; hỗ trợ khó khăn cho 34.019 lượt CNVC-LĐ, thành lập hàng trăm “Góc thư giãn Công đoàn”, “Điểm sinh hoạt CN” trong Tháng CN 2024. LĐLĐ tỉnh Bình Dương với nhiều cách làm mới, sáng tạo, đem lại hiệu quả cao như lan tỏa chương trình “Phúc lợi đoàn viên”, “Bữa cơm Công đoàn”; tổ chức đoàn đến các DN, khu nhà trọ thăm hỏi động viên người sử dụng lao động, NLĐ…

Kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28.7.1929 - 28.7.2024): Vì việc làm, đời sống của đoàn viên - lao động- Ảnh 2.
Ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, tặng quà Tết cho gia đình công nhân khó khăn tại quận 7, TP HCM. Ảnh: HUỲNH NHƯ

Linh hoạt thích ứng

Tổ chức Công đoàn Việt Nam đã tồn tại và phát triển trong suốt 95 năm qua. Dù hoàn cảnh lịch sử có những thay đổi thì cho đến thời điểm hiện tại, Công đoàn Việt Nam vẫn là tổ chức đại diện lớn nhất, sẵn sàng đấu tranh để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Ở mỗi giai đoạn với những điều kiện khác nhau, Công đoàn Việt Nam nói chung và Công đoàn TP HCM nói riêng không ngừng đổi mới để thích ứng và kiên trì vì mục tiêu đại diện, bảo vệ, chăm lo cho NLĐ.

Điều đó thể hiện rõ trong các quyết định của Tổng LĐLĐ Việt Nam, kế hoạch của LĐLĐ TP, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh và phục hồi kinh tế sau dịch khi kịp thời triển khai các gói hỗ trợ với nguồn kinh phí lớn nhằm tiếp sức NLĐ khó khăn, bị giảm giờ làm, mất việc làm, tạm hoãn hợp đồng lao động…

Tại mỗi thời điểm, đối tượng thụ hưởng, mức hỗ trợ được các cấp Công đoàn điều chỉnh phù hợp nhất với điều kiện thực tế. Năm 2023, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành 3 chính sách hỗ trợ đoàn viên, NLĐ bị giảm giờ làm việc hoặc bị ngừng việc. Qua đó, gần 100.000 lượt đoàn viên được thụ hưởng với số tiền hơn 100 tỉ đồng tính đến cuối năm 2023. Riêng tại TP HCM, các cấp Công đoàn TP đã chi hỗ trợ 7.903 trường hợp với kinh phí hàng chục tỉ đồng.

Không dừng lại ở việc hỗ trợ vật chất ngay thời điểm NLĐ bị giảm giờ, mất việc, các cấp Công đoàn TP còn chủ động đưa nhóm lao động này vào đối tượng ưu tiên chăm lo trong các dịp lễ, Tết hay trong dịp Tháng CN năm 2024 vừa qua. Hình thức hỗ trợ cũng đa dạng như tặng phiếu mua hàng, nhu yếu phẩm, tiền mặt… Nhờ vậy, nhiều gia đình CN đã vững tâm vượt qua thời điểm gian nan nhất.

Anh Nguyễn Chí Hùng, CN Công ty TNHH SX-TM-DV Long Cường (TP Thủ Đức, TP HCM), cho biết sau dịch, có thời điểm công ty anh khan hiếm đơn hàng nên thu nhập của CN giảm đi một nửa. Vợ chồng anh làm cùng công ty nên cuộc sống rất chật vật. Chính lúc khó khăn ấy, anh nhận được sự giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần từ LĐLĐ TP Thủ Đức. “Sự giúp đỡ của Công đoàn đã phần nào giúp gia đình tôi giải tỏa nỗi lo, có thêm một khoản tiền để trang trải chi phí sinh hoạt” – anh Cường tâm sự.

Không chỉ đột phá về nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức Công đoàn thời gian qua cũng có những chuyển biến, rõ nét nhất là xu hướng chuyển đổi số trong công tác quản lý. Hướng tới mục tiêu chuyển đổi số toàn diện, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã xây dựng Đề án Chuyển đổi số Công đoàn Việt Nam giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm nâng cao năng lực quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kinh tế – xã hội, tạo môi trường làm việc an toàn, thân thiện, phục vụ tốt cho hoạt động của các cấp Công đoàn; tăng cường kết nối thông tin trực tiếp giữa đoàn viên – lao động với cán bộ làm công tác Công đoàn các cấp.

Tại TP HCM, những năm qua, tổ chức Công đoàn TP đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, điều hành cũng như trong công tác chăm lo, được đội ngũ cán bộ Công đoàn và CNVC-LĐ đón nhận. Các cấp Công đoàn TP đã phối hợp với các đơn vị để tổ chức chương trình “Phiên chợ công nhân – online”, “Phiên chợ 4.0” hay mô hình “Tư vấn pháp luật online” miễn phí.

Nguồn : Nhóm Phóng viên; nld.com.vn

Chia sẻ:

TIN MỚI

SỰ KIỆN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN