Nhớ ngày thống nhất non sông – Nhớ ơn Bác Hồ vĩ đại

Những ngày qua trên khắp cả nước đã diễn ra rất nhiều hoạt động sôi nổi chào mừng sự kiện lịch sử trọng đại Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025). Nhớ ngày này – ngày thống nhất non sông, mỗi người dân Việt Nam đều bày tỏ lòng tự hào, niềm vui hân hoan hạnh phúc và luôn nhớ ơn về Bác Hồ vĩ đại…

Một số cột mốc và sự kiện trọng đại

Ngày 5/6/1911, với tên mới Văn Ba, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã lên con tàu Amiral La Touche De Tréville, rời bến cảng Nhà Rồng, khởi đầu cho hành trình tìm đường cứu nước. Người đã in dấu trên nhiều nước thuộc các đại lục Âu, Á, Phi, Mỹ, có thời gian khá lâu ở Mỹ, Anh và Pháp.

Tháng 7/1920, Nguyễn Ái Quốc đọc được “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I.Lê-nin. Sự kiện này đánh dấu Người đã đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, tìm thấy ở đó ánh sáng chân lý của thời đại, con đường giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chính là người đã sáng lập và rèn luyện Đảng ta. Từ ngày 3 đến 7/2/1930, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị hợp nhất 3 tổ chức Cộng sản tại Cửu Long (Hồng Kông, Trung Quốc) đã nhất trí thành lập một đảng thống nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sau 30 năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài, ngày 28/1/1941, Nguyễn Ái Quốc trở về nước để trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh cách mạng.

Tháng 5/1941, Người chủ trì Hội nghị Trung ương 8 quyết định chuyển hướng chiến lược cách mạng phù hợp với sự thay đổi mau lẹ của tình hình quốc tế và trong nước, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, tổ chức vận động, tập hợp lực lượng toàn dân tộc; thành lập Mặt trận Việt Minh; tiến hành xây dựng lực lượng vũ trang và căn cứ địa, tạo nên các cao trào cách mạng sôi nổi, mạnh mẽ trên phạm vi cả nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi nói chuyện với nhân dân trước ngôi nhà nơi sinh ra Người ở làng Hoàng Trù ngày 9/12/1961. (Ảnh tư liệu: Khu Di tích Kim)
Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi nói chuyện với nhân dân trước ngôi nhà nơi sinh ra Người ở làng Hoàng Trù ngày 9/12/1961. (Ảnh tư liệu: Khu Di tích Kim Liên)

Tháng 8/1945, với tư duy chính trị cực kỳ nhạy cảm và sắc bén, dự báo chính xác, phân tích kịp thời và thấu đáo tình hình trong nước và quốc tế, nhận rõ thời cơ cách mạng đã chín muồi, Người nêu quyết tâm “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho kỳ được độc lập dân tộc“, “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta“.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Lãnh tụ Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã gắn kết thành một khối, phát huy cao độ sức mạnh toàn dân tộc, làm nên thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lật đổ chế độ thực dân, phong kiến. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa – Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra một thời đại mới rực rỡ nhất trong lịch sử quang vinh của dân tộc – Thời đại Hồ Chí Minh.

Chưa kịp hưởng trọn vẹn một ngày vui độc lập, nhân dân Sài Gòn – Gia Định đã phải đứng lên chống thực dân Pháp, sau đó là đế quốc Mỹ. Bao nhiêu thế hệ người Việt Nam đã ngã xuống, hy sinh, chịu nhiều đau thương mất mát để giành lại độc lập tự do.

Ngày 2/9/1969, Bác Hồ về cõi người hiền, để lại niềm tiếc thương vô hạn của nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Ngày 14/4/1975, thể theo nguyện vọng của nhân dân và các lực lượng vũ trang trên chiến trường, trong đó có quân và dân thành phố Sài Gòn-Gia Định, Bộ Chính trị đã phê chuẩn đề nghị của Bộ Chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định, theo đó đồng ý Chiến dịch giải phóng Sài Gòn lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Ngày 6/1/1975 chiến thắng Phước Long, là chiến thắng đầu tiên trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam Việt Nam mà nhân dân ta đã giành được quyền làm chủ trong phạm vi một tỉnh. Sau đó, ngày 11/3/1975, quân và dân ta giải phóng hoàn toàn thị xã Buôn Ma Thuột. Ngày 24/3/1975 quân và dân ta giải phóng thành phố Huế rồi tiến vào giải phóng Đà Nẵng, thế ta mạnh như chẻ tre, đánh bại quân địch dọc Duyên hải miền Trung, đập tan phòng tuyến Phan Rang và Xuân Lộc.

5 giờ 30 phút sáng 30/4/1975, quân ta từ bốn hướng đồng loạt như triều dâng, thác đổ rầm rầm tiến vào nội thành Sài Gòn, 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, mũi thọc sâu của Lữ đoàn xe tăng 203 (thuộc Quân đoàn 2) với xe tăng T59 mang số hiệu 390 do Trung úy Vũ Đăng Toàn, Chính trị viên Đại đội 4 làm trưởng xa, đã húc tung hai cánh cổng chính Dinh Độc Lập, tiếp ngay phía sau là chiếc xe tăng mang số hiệu 843 cũng của Lữ đoàn xe tăng 203 (thuộc Quân đoàn 2) do Trung úy Bùi Quang Thận – Đại đội trưởng Đại đội 4 làm trưởng xa – người vinh dự được trao nhiệm vụ kéo lá cờ giải phóng lên cột cờ trên đỉnh nóc Dinh Độc Lập, đánh dấu thời điểm kết thúc của đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai bán nước ở miền Nam Việt Nam; đánh dấu giây phút lịch sử vinh quang của quân dân ta, của Đảng ta đã hoàn thành sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc thống nhất Tổ quốc[1].

Người dân Sài Gòn vui mừng chào đón Quân giải phóng. (Ảnh tư liệu)
Người dân Sài Gòn vui mừng chào đón Quân giải phóng. (Ảnh tư liệu)

Kỷ niệm ngày giải phóng đất nước, nhớ công ơn Bác Hồ

Sinh thời, Bác Hồ có hai lần được tặng thưởng Huân chương cao quý nhưng cả hai lần Bác đều từ chối, đến khi từ giả cõi đời trên ngực áo Bác cũng không có chiếc Huân chương nào.

Lần thứ nhất Bác được tặng thưởng Huân chương là tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa II, họp đúng vào dịp chuẩn bị kỷ niệm lần thứ 73 ngày sinh của Bác kính yêu. Trong kỳ họp này, các đại biểu đã nhất trí đề nghị Quốc hội trao tặng Bác Hồ Huân chương Sao Vàng. Biết tin ấy, Bác Hồ rất cảm động, Bác nói: “Tôi vừa nhận được một tin tức làm tôi rất cảm động và sung sướng. Ðó là tin Quốc hội có ý định tặng cho tôi Huân chương Sao Vàng, huân chương cao quý nhất của nước ta. Tôi xin tỏ lòng biết ơn Quốc hội. Nhưng tôi xin Quốc hội cho phép tôi chưa nhận huân chương ấy. Vì sao? Vì huân chương là để thưởng cho người có công huân, nhưng tôi tự xét chưa có công huân xứng đáng với sự tặng thưởng cao quý của Quốc hội”.

Bác nhắc đến đồng bào miền Nam đang sống khổ cực dưới chế độ dã man của đế quốc Mỹ và tay sai, đang anh dũng kiên cường đấu tranh giành thắng lợi và Bác nói tiếp: “Miền Nam thật là xứng đáng với danh hiệu Thành đồng Tổ quốc và xứng đáng được tặng Huân chương cao quý nhất, vì những lẽ đó, tôi xin Quốc hội đồng ý thế này: Chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hòa bình thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi huân chương cao quý. Như vậy thì toàn dân ta sẽ sung sướng vui mừng“.

Lần thứ hai Bác được tặng huân chương là vào năm 1967, Ðảng, Chính phủ và nhân dân Liên Xô quyết định tặng Bác Huân chương Lê-nin, nhưng Bác cũng đã từ chối, vì không muốn riêng mình được hưởng vinh dự đặc biệt to lớn. Người đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản Liên Xô tạm hoãn việc trao tặng phần thưởng cực kỳ cao quý ấy. Ðến ngày nhân dân Việt Nam đánh đuổi được bọn đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn đất nước Việt Nam, Người sẽ đại diện cho toàn thể nhân dân Việt Nam trân trọng và vui mừng lãnh lấy Huân chương mang tên Lê-nin vĩ đại.

Quang cảnh Bến Nhà Rồng về đêm. (Ảnh: Nguyễn Hoàng)
Quang cảnh Bến Nhà Rồng về đêm. (Ảnh: Nguyễn Hoàng)

Năm 1946, khi trả lời các nhà báo nước ngoài Bác nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành“. Không những vậy, Bác luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên: tất cả quyền lực thuộc về nhân dân; việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh; cán bộ đảng viên phải là người công bộc, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân; ngoài lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích gì khác;…

Sinh thời, Bác luôn muốn vào thăm miền Nam, được chứng kiến nhân dân ta giành chiến thắng đế quốc Mỹ xâm lược để thống nhất đất nước nhưng Bác chưa thực hiện được. Trong Di chúc Bác viết: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn. Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng; thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta[2].

Mỗi năm cứ đến dịp kỷ niệm ngày 30/4 lịch sử, đặc biệt năm nay, đất nước ta long trọng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là chúng ta lại nhớ nghĩ về công ơn của Bác, những câu nói thấm đượm tình người của Bác dành cho nhân dân, cho niềm tin mãnh liệt vào ngày giải phóng đất nước. Như vậy, 50 năm đã qua, Đảng, quân và nhân dân ta đã xuất sắc làm được điều mà Bác hằng mong muốn là đánh đuổi đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đem lại cuộc sống ấm no tự do hạnh phúc cho nhân dân. Và cũng ngần ấy thời gian đất nước ta kỷ niệm ngày giải phóng mà không còn có Bác. Điều này đã trở thành nỗi trăn trở, niềm thúc giục tinh thần của nhiều thế hệ người Việt Nam không ngừng phấn đấu, ra sức học tập, rèn luyện, lao động sản xuất, ra sức xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn”, “to đẹp hơn” như Bác hằng mong. Việc Bác không còn để chứng kiến đất nước ta hoàn toàn giải phóng, nhân dân ta vui mừng sung sướng được hưởng hòa bình độc lập cũng đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác, đi vào thơ ca.

Chẳng hạn, tháng 1/1970, nhà thơ Tố Hữu sáng tác bài thơ nổi tiếng “Theo chân Bác”, trong đó có đoạn: “Ôi! nụ cười vui của Bác Hồ “Miền Nam đánh giỏi, Mỹ thua to!” Bác ơi! Con biết con chưa giỏi. Quét sạch đường đi, để Bác vô!”. Hay như “Ta hiểu. Miền Nam thương nhớ Bác. Nóng lòng mong đợi Bác vào thǎm. Ta hiểu. Đêm nằm nghe gió gác. Bác thường trǎn trở, nhớ Miền Nam!”. “Ai nói giùm ta hết tấm lòng. Bác Hồ thương nhớ mỗi dòng sông. Mỗi hòn núi ở Miền Nam đó. Như thịt da ta rỏ máu hồng!

Hay như vào đêm 28/4/1975 nhạc sĩ Phạm Tuyên đã sáng tác bài hát “Như có Bác trong ngày đại thắng” mà nay được mọi người nhớ nằm lòng những câu hát quen thuộc như: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng. Lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng. Ba mươi năm đấu tranh giành toàn vẹn non sông. Ba mươi năm dân chủ cộng hòa kháng chiến đã thành công. Việt Nam Hồ Chí Minh, Việt Nam Hồ Chí Minh, Việt Nam Hồ Chí Minh, Việt Nam Hồ Chí Minh”.

Màn biểu diễn nghệ thuật tại buổi sơ duyệt cấp Nhà nước lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam vào tối 25/4. Ảnh: (Thanhuytphcm.vn)
Màn biểu diễn nghệ thuật tại buổi sơ duyệt cấp Nhà nước lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam vào tối 25/4. Ảnh: (Thanhuytphcm.vn)

Thật sự không thể nói hết những hy sinh của Bác Hồ, của các bậc cách mạng tiền bối lão thành, của các Mẹ Việt Nam anh hùng, của những người đi trước và nhân dân ta khi mà đến nay vẫn còn có người nằm lại chiến trường hoặc có liệt sĩ mà đến nay vẫn chưa thể xác định được tên. Với Bác Hồ, năm 1941, sau 30 năm bôn ba ở nước ngoài tìm đường cứu nước Bác mới trở về nước tiếp tục hoạt động cách mạng như đã đề cập thế nhưng Bác chỉ có 2 lần về thăm quê, lần thứ nhất ngày 14/6/1957, lần thứ hai ngày 8/12/1961. Bác Hồ đã hy sinh hạnh phúc riêng tư, dành trọn cuộc đời đấu tranh giải phóng dân tộc, có lối sống giản dị, trí tuệ uyên bác, tư tưởng đạo đức phong cách sáng ngời, được nhân dân yêu quý và bạn bè quốc tế kính trọng.

Thành phố Hồ Chí Minh – Thành phố vinh dự được mang tên Bác hôm nay luôn giữ vững là đầu tàu kinh tế của cả nước, phát triển mạnh mẽ về mọi mặt, nơi có nhịp sống sôi động nhất nước, giao lưu văn hóa với nhiều nước trên thế giới, đóng góp ngày càng quan trọng vào sự phát triển chung của cả nước. Ngoài ra, Thành phố Hồ Chí Minh còn luôn đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của người dân, xóa đói giảm nghèo[3], đền ơn đáp nghĩa,… Thành phố cũng tích cực đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh[4], sáng tạo khi xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Thành phố mang tên Bác[5], để tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác ngày càng thấm nhuần sâu rộng trong nhân dân, trở thành nét đặc trưng của người dân Thành phố, phong trào này cũng được đông đảo cán bộ đảng viên và nhân dân TP nhiệt tình hưởng ứng.

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đánh dấu một mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc. Thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh đã: “Kết thúc vẻ vang quá trình 30 năm chiến tranh giải phóng của dân tộc và bảo vệ Tổ quốc bắt đầu từ Cách mạng Tháng Tám, chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa đế quốc trên đất nước ta, làm cho Tổ quốc ta vĩnh viễn độc lập, thống nhất và đưa cả nước ta tiến lên chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi ấy làm thất bại cuộc chiến tranh xâm lược thực dân mới quy mô lớn nhất và dài ngày nhất từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, làm đảo lộn chiến lược toàn cầu của tên đế quốc đầu sỏ, đẩy Mỹ vào tình thế khó khăn chưa từng thấy[6]. Và trong chiến thắng huy hoàng đó, Đảng bộ, quân và dân Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định đã có phần đóng góp công sức rất xứng đáng.

Chiến thắng ngày 30/4/1975 có thể rút ra được một số bài học ý nghĩa của: Lấy dân làm gốc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh to lớn của đại đoàn kết toàn dân tộc.

Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là dịp để tri ân những công lao hy sinh to lớn của những bậc đi trước, nhằm giáo dục thế hệ trẻ hiện tại và tương lai về truyền thống hào hùng, rất đỗi tự hào của dân tộc. Đây cũng là dịp tôn vinh tinh thần đoàn kết giữa các quốc gia đã hỗ trợ Việt Nam trong chiến tranh, tri ân những sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế cũng như tinh thần yêu chuộng hòa bình, tôn trọng sự bình đẵng, chân thành và luôn sẵn sàng hợp tác cùng phát triển hướng đến tương lai của Việt Nam với bạn bè các nước.

Nguyễn Minh Tiến

_________________

[1] Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh (2016): Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh 1930 – 1975, Nxb. Chính trị Quốc gia, tr. 910, 911

[2] Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (2014), Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 37

[3]  Đến tháng 7 năm 2024, Thành phố đã thực hiện giảm 32.062 hộ nghèo và giảm 22.342 hộ cận nghèo. Từ tỷ lệ hộ nghèo 1986 là 60%, đến nay Thành phố Hồ Chí Minh đã cơ bản hoàn thành việc xóa nghèo theo chuẩn đa chiều và chuẩn nghèo về thu nhập của Thành phố Hồ Chí Minh luôn được nâng lên, cao hơn chuẩn cả nước.

[4]  Trong giai đoạn 2021 – 2024, Thành phố đã biểu dương 133 tập thể, 206 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ở các cấp ủy cơ sở, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội thành phố đã tổ chức tuyên dương 1.558 tập thể, 2.898 cá nhân điển hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

[5]  Đến nay, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã có hơn 4.580 mô hình không gian văn hóa Hồ Chí Minh được xây dựng, hình thành

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, t. 37, tr. 980

Chia sẻ:

TIN MỚI

SỰ KIỆN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN