Một triệu sáng kiến vượt khó, chiến thắng đại dịch

Chương trình “1 triệu sáng kiến, nỗ lực vượt khó sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động vào thời điểm cả nước chung sức, đồng lòng phòng, chống đại dịch Covid-19 và từng bước phục hồi kinh tế.

Chương trình nhằm khơi dậy lòng yêu nước, sức sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, đồng cam cộng khổ của công nhân, viên chức, người lao động, đóng góp cho sự phát triển của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và sự phát triển chung của đất nước, kịp thời thích ứng điều kiện bình thường mới.

Vượt chỉ tiêu

Sau gần bốn tháng triển khai Chương trình, tất cả liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương và tương đương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt  Nam xây dựng kế hoạch, hướng dẫn và tổ chức tuyên truyền, triển khai tới cơ sở. Theo số liệu báo cáo, tổng số chỉ tiêu đăng ký cả nước đạt hơn một triệu sáng kiến. Đến ngày 27/4, chương trình cán đích 200 nghìn sáng kiến cập nhật trên cổng trực tuyến https://congdoanvietnam.org.

Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội là đơn vị đăng ký sớm nhất, số lượng đăng ký vượt chỉ tiêu cao nhất cả nước, với 130 nghìn sáng kiến, gấp hai lần chỉ tiêu định hướng của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng cho biết:  Để có kết quả nêu trên, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động thành phố đã quyết liệt trong chỉ đạo, sự vào cuộc nhanh chóng của các cấp công đoàn Thủ đô, cùng sự tham mưu kịp thời của “Tổ hỗ trợ sáng kiến” kịp thời trợ giúp công nhân có sáng kiến, sáng tạo. Ở công đoàn cấp trên cơ sở, một cán bộ công đoàn được giao phụ trách công tác này, thường xuyên cập nhật danh sách, số lượng sáng kiến.

Chỉ sau hai tháng triển khai, công đoàn Thủ đô đã quyết định khen thưởng nóng 10 tập thể có thành tích xuất sắc trong hoạt động này ngay trong quý I/2022. Nhằm huy động sự hưởng ứng nhiệt tình, trách nhiệm cao hơn nữa của đoàn viên, người lao động, ngày 25/4, Liên đoàn Lao động thành phố phát động “Chiến dịch cao điểm 35 ngày”, với mục tiêu thi đua đạt 52 nghìn sáng kiến đăng ký trên hệ thống phần mềm trực tuyến trong giai đoạn 1.

Một triệu sáng kiến vượt khó, chiến thắng đại dịch -0
 Anh Hoàng Văn Giang (áo trắng), nhân viên quản lý nguyên liệu Công ty TNHH Sakurai Việt Nam (Thanh Hóa) trao đổi về sáng kiến thiết kế phần mềm quản lý tồn kho máy may công nghiệp. (Ảnh NGỌC TÚ)

Nếu Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đi đầu trong đăng ký sáng kiến thì Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa hiện là đơn vị dẫn đầu cả nước về số lượng sáng kiến đã nộp phần mềm, với gần 44 nghìn sáng kiến. Công đoàn tỉnh đã có những cách làm riêng, thu hút người lao động quan tâm, hưởng ứng như Liên đoàn Lao động tỉnh gắn chương trình “1 triệu sáng kiến” với phong trào thi đua “Công nhân, viên chức, lao động chung sức, hiện thực hóa khát vọng xây dựng quê hương Thanh Hóa văn minh, thịnh vượng” giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa Võ Mạnh Sơn cho biết, việc triển khai chương trình được thực hiện nghiêm túc, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Các cấp công đoàn đều thành lập ban chỉ đạo, tổ công tác, hướng dẫn đoàn viên, người lao động tham gia. Công đoàn tỉnh tổ chức biểu dương, khen thưởng, tặng kèm các món quà ý nghĩa cho người lao động có sáng kiến nổi bật. Theo đánh giá từ ban tổ chức chương trình, hiện tại, khu vực Bắc Trung Bộ đang là động lực cho các địa phương khác làm theo do họ đã thành công khi khơi dậy được tinh thần, khát vọng sáng tạo, truyền cảm hứng sáng tạo cho đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động.

Chiến dịch “Chiến dịch thi đua cao điểm 40 ngày” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động, diễn ra từ ngày 21/4 đến hết ngày 31/5, với mục tiêu thi đua hoàn thành chỉ tiêu phấn đấu đạt 300 nghìn sáng kiến. Tổng Liên đoàn tin tưởng giao trọng trách mở đầu chiến dịch cho sáu liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố: Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh, thành phố Hồ Chí Minh và Công đoàn Cao-su Việt Nam, với mục tiêu trong giai đoạn này là tập trung huy động sự tham gia và sáng kiến của đoàn viên khối cán bộ, công chức, viên chức, nhất là ngành giáo dục, y tế, đoàn viên, người lao động trong khu vực doanh nghiệp.

Tự hào trí tuệ lao động Việt Nam

Đáng chú ý, ngay tại giai đoạn 1 đã có hàng chục nghìn sáng kiến thuộc nhóm đối tượng là công nhân lao động trực tiếp trong các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Đây là sự khởi sắc đáng mừng, bởi thực tế phần lớn công nhân, lao động trực tiếp không có trình độ cao về học vấn, nhưng trong quá trình lao động, họ mới chính là người hiểu cặn kẽ công việc, dây chuyền sản xuất, từ đó nảy sinh cải tiến, sáng kiến. Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo chương trình Trần Thanh Hải khẳng định: Chúng ta trân trọng những sáng kiến có giá trị làm lợi cao, nhưng cũng cần khơi gợi, tạo điều kiện để người lao động tại cơ sở phát huy năng lực, góp phần tăng năng suất lao động, giảm chi phí, tạo hiệu quả tối ưu cho một chu kỳ sản phẩm…

Với mong muốn đóng góp, đồng hành cùng sự phát triển của doanh nghiệp, anh Hoàng Anh Tuấn, nhân viên kỹ thuật bộ phận Engineering, Công ty TNHH Toyoda Boshoku (Khu công nghiệp Nomora thành phố Hải Phòng), đã tham gia chương trình. Xuất thân từ lao động trực tiếp, 13 năm làm tại bộ phận cắt, anh Tuấn đã có 30 sáng kiến, trong đó “Thiết kế quy trình giảm thời gian camera định vị sản phẩm khi cắt” trở thành sáng kiến ấn tượng nhất của anh, đem lại giá trị làm lợi 3,8 tỷ đồng/năm. Sáng kiến được công ty cho phép thử nghiệm từ tháng 3/2021, nhưng sau sáu tháng đã được đưa vào ứng dụng rộng rãi. Anh Tuấn cho biết: Đó là kết quả của sự nghiên cứu bền bỉ, kinh nghiệm lao động và không ngừng học hỏi kiến thức mới. Tôi là người có sáng tạo, nhưng lãnh đạo và các đồng nghiệp mới chính là những người ủng hộ, tạo môi trường tốt nhất để ý tưởng của tôi được hiện thực hóa.

Giải pháp “Chế tạo robot phun sơn tĩnh điện” của kỹ sư Lê Trạc Đồng, Công ty cổ phần Thiết bị giáo dục Hồng Đức, Khu công nghiệp Lễ Môn (Thanh Hóa) đang được áp dụng, đem lại giá trị làm lợi 320 triệu đồng/năm. Sáng kiến này không chỉ giảm nhân công, rút ngắn thời gian hoàn thiện sản phẩm, mà còn có giá trị xã hội, khi đưa robot phun sơn tĩnh điện trong sản xuất, góp phần giảm ô nhiễm môi trường do sơn thất thoát ra ngoài không khí của toàn bộ phạm vi Khu công nghiệp Lễ Môn và phường Quảng Hưng, thành phố Thanh Hóa.

Để thúc đẩy chương trình “1 triệu sáng kiến” trong thời gian tới, đồng chí Trần Thanh Hải nhấn mạnh: Từng đơn vị cần phân công cán bộ công đoàn tham mưu thực hiện tại địa phương; trực tiếp hướng dẫn thao tác kỹ thuật, có năng lực hoàn thiện nội dung cập nhật sáng kiến của đơn vị trên Cổng trực tuyến. Hình thành tổ sáng kiến ở cơ sở, tạo sự gắn kết giữa các cán bộ công đoàn thực hiện các nhiệm vụ gợi mở ý tưởng, tiếp nhận sáng kiến, đề xuất áp dụng và hướng dẫn kê khai sáng kiến. Công đoàn cơ sở cần chủ động vận động, phối hợp chủ sử dụng lao động ủng hộ, có chính sách trước mắt cũng như lâu dài dành nguồn kinh phí động viên, khích lệ, khen thưởng, tôn vinh, trân trọng tất cả các sáng kiến của công nhân, lao động.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông, lan tỏa giá trị sáng tạo của người lao động để họ tự hào, chung sức khôi phục kinh tế, đóng góp tích cực cho xã hội; giao trách nhiệm cho người đứng đầu công đoàn cơ sở triển khai Chương trình từ xây dựng kế hoạch, chủ động, sáng tạo trong cách thức thực hiện; đưa nội dung thực hiện Chương trình vào tiêu chí đánh giá thi đua năm 2022, 2023 tại các cấp công đoàn ■

Chương trình được chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn 1 từ tháng 12/2021 đến hết tháng 5/2022, đạt mục tiêu 300 nghìn sáng kiến, thiết thực hưởng ứng Tháng Công nhân năm 2022. Giai đoạn 2 từ tháng 6/2022 đến tháng 9/2023, chào mừng kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc và Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII, với mục tiêu 700 nghìn sáng kiến.

Chia sẻ:

TIN MỚI

SỰ KIỆN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN