Kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2022) và 111 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (05/6/1911 – 05/6/2022), trân trọng giới thiệu phóng sự ảnh (2 phần): Phần I – Chủ tịch Hồ Chí Minh một nhân cách – một cuộc đời – một dân tộc. Phần II: Không gian văn hóa Hồ Chí Minh – khát vọng của Đảng bộ và nhân dân thành phố mang tên Bác.
PHẦN I: CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH MỘT NHÂN CÁCH – MỘT CUỘC ĐỜI – MỘT DÂN TỘC
Chủ tịch Hồ Chí Minh (tên lúc nhỏ là Nguyễn Sinh Cung) sinh ngày 19 tháng 5 năm 1890 tại làng Hoàng Trù, xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh nay thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Thời niên thiếu, Nguyễn Sinh Cung là một học trò thông minh, chăm chỉ học tập, thích đọc truyện và thơ ca yêu nước. Những buổi đàm luận về thời cuộc giữa cha là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc với những nhà yêu nước khác, đã sớm giáo dục cho cậu bé tinh thần yêu nước, thương dân. Tranh vẽ: Nguyễn Sinh Cung đang nghe các bậc cha chú đàm đạo việc nước.
Tranh vẽ: Với tên Nguyễn Tất Thành khi còn là học sinh trường Quốc học Huế, ngày 09 tháng 5 năm 1908, Người tham gia biểu tình chống thuế tại Tòa khâm sứ Trung Kỳ.
Đau lòng trước cảnh nước mất nhà tan và sự thất bại của các phong trào yêu nước, ngày 05 tháng 6 năm 1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh) lên con tàu Amiran Latusơ Tơrêvin ở bến cảng Sài Gòn, rời Tổ quốc thân yêu, bôn ba khắp thế giới tìm đường cứu nước.
Khách sạn Carlton Thủ đô Luân Đôn – Vương quốc Anh, nơi Nguyễn Tất Thành vừa làm phụ bếp, vừa tự học thêm tiếng Anh trong những năm 1914 – 1917.
Tháng 12 năm 1920, lấy tên Nguyễn Ái Quốc, Người tham dự Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp ở Tua (Tours). Tại Đại hội, Người bỏ phiếu tán thành Quốc tế III, tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp và trở thành người Cộng sản đầu tiên của Việt Nam.
Đồng chí Nguyễn Ái Quốc với đại biểu các nước tham dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ V năm 1924 tại Mát-xcơ-va, thông qua Nghị quyết về việc thành lập Mặt trận Thống nhất Công nhân và nhấn mạnh nhiệm vụ giải phóng các dân tộc thuộc địa.
Từ cuối năm 1924 đến năm 1927, Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu (Trung Quốc) tổ chức đào tạo đội ngũ cán bộ nòng cốt đầu tiên cho Cách mạng Việt Nam, trong đó có các đồng chí tiêu biểu như: Trần Phú, Lê Hồng Phong, Ngô Gia Tự… Tranh vẽ: Lớp huấn luyện cán bộ Cách mạng Việt Nam tại Quảng Châu (Trung Quốc).
Từ ngày 06 tháng 01 đến ngày 07 tháng 02 năm 1930, tại Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là bước ngoặt quan trọng trong lịch sử cách mạng nước ta. Bản trích: Lời kêu gọi của Nguyễn Ái Quốc nhân dịp thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tranh vẽ: Ngày 28 tháng 01 năm 1941, sau 30 năm hoạt động ở nước ngoài Hồ Chí Minh trở về nước để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Nhân dân Sài Gòn hưởng ứng cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám, năm 1945.
Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 02 tháng 9 năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình – Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), Nhà nước công – nông đầu tiên ở Đông Nam Châu Á, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam – kỷ nguyên độc lập, tự do.
Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Lời kêu gọi “Sẻ cơm nhường áo” đăng trên báo Cứu quốc, số 53, ngày 28 tháng 09 năm 1945.
Sau khi Nhà nước cách mạng ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời đã ra sắc lệnh tổ chức Tổng tuyển cử tự do trong cả nước, bầu Quốc hội và thông qua Hiến pháp dân chủ đầu tiên của Việt Nam. Quốc hội khóa I (1946) đã bầu Người làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố nhậm chức và giới thiệu thành phần Chính phủ tại phiên họp đầu tiên của Quốc hội khóa I, Hà Nội, tháng 02 năm 1946.
Tháng 9 năm 1946, phát biểu trước Hội đồng thành phố Paris (Pháp), Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố quyết tâm của toàn dân tộc Việt Nam giữ vững nền độc lập, thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu làm nô lệ.
Tháng 6 năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh họp với Thường vụ Trung ương Đảng chủ trương mở Chiến dịch lớn tấn công quân Pháp trên tuyến biên giới Cao Bằng – Lạng Sơn. Sau 29 ngày đêm từ ngày 16 tháng 9 đến ngày 14 tháng 10 năm 1950, quân ta chiến đấu quyết liệt, anh dũng và mưu trí, Chiến dịch Biên giới Thu – Đông đã giành thắng lợi.
Chủ tịch Hồ Chí Minh giản dị trên đường đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II tại chiến khu Việt Bắc, tháng 02 năm 1951.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng họp quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ nhằm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm chiến lược của thực dân Pháp tại Việt Nam, tháng 12 năm 1953.
Bác Hồ tặng Huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên” cho các cá nhân có thành tích xuất sắc sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 toàn thắng.
Ghi nhớ công ơn của tiền nhân, trước khi về tiếp quản thủ đô Hà Nội, ngày 19 tháng 9 năm 1954, tại Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ Đại đoàn quân Tiên phong: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
“Miền Nam luôn luôn ở trong trái tim tôi” – Chủ tịch Hồ Chí Minh xúc động khi nhắc đến sự hy sinh, gian khổ của đồng bào miền Nam ruột thịt tại kỳ họp Quốc hội khóa I, tháng 12 năm 1956.
Chủ tịch Hồ Chí Minh bỏ phiếu bầu Ban Thường trực Quốc hội khóa I, tháng 01 năm 1957.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, ở miền Bắc, Nhân dân ta tiến hành xây dựng Chủ nghĩa xã hội; ở miền Nam, Mỹ thay chân Pháp âm mưu xâm chiếm lâu dài nước ta. Tháng 1 năm 1959, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 15 (khóa II) do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì đã thông qua đường lối cách mạng miền Nam trường kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược để đi đến thống nhất đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh công bố Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 01 tháng 01 năm 1960.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị họp về tình hình và nhiệm vụ chống Mỹ cứu nước, ngày 28 tháng 12 năm 1967.
Ngày 2 tháng 9 năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời trong sự tiếc thương vô hạn của toàn dân. Trong lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, trước anh linh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Duẩn đọc năm lời thề son sắt, nói lên quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu không chỉ là vị Lãnh tụ thiên tài, Người thầy vĩ đại của Cách mạng Việt Nam, Người chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, mà còn là Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam. Mặc dù Người đã đi xa nhưng tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người vẫn luôn hiện diện trên mỗi chặng đường đi lên của đất nước. Soi mình vào những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta càng thấy lời Người dạy vô cùng thiêng liêng và là chân lý cho hôm nay và mãi mãi mai sau. Ảnh: 05 tác phẩm, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh được công nhận là bảo vật quốc gia.
Thực hiện mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, Nhân dân cả nước tiếp tục kháng chiến với tinh thần quật khởi. Ảnh: Xác máy bay B-52 của Mỹ bị quân và dân Hà Nội bắn rơi trong chiến thắng Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không, tháng 12 năm 1972.
11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975, xe tăng thuộc Lữ đoàn 203, Quân đoàn 2 tiến chiếm Dinh Độc Lập, bắt sống toàn bộ nội các chính phủ Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Việt Nam Cộng hòa tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. Ảnh: Nhân dân Sài Gòn vui mừng đón đoàn quân chiến thắng tiến vào Thành phố trong ngày giải phóng, ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là kết tinh của hồn dân tộc, là đuốc sáng soi đường cho dân tộc Việt Nam đi từ bùn đen nô lệ vùng lên giành lại tự do, độc lập. Ảnh: Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng – Lễ mừng miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước được tổ chức trọng thể tại Thủ đô Hà Nội, năm 1975.
(Nguồn: Trung tâm Thông tin triển lãm TPHCM phát hành, thanhuytphcm.vn)