Kể chuyện về Bác Hồ – Bài học về thời gian

Năm 1945, mở đầu bài nói chuyện tại lễ tốt nghiệp khóa V Trường huấn luyện cán bộ Việt Nam, Người thẳng thắn góp ý: “Trong giấy mời tới đây nói 8 giờ bắt đầu, bây giờ 8 giờ 10 phút rồi mà nhiều người chưa đến. Tôi khuyên anh em phải làm việc cho đúng giờ, vì thời gian quý báu lắm”.

Trong kháng chiến chống Pháp, một đồng chí cấp tướng đến làm việc với Bác sai hẹn mất 15 phút, tất nhiên là có lý do: mưa to, suối lũ, ngựa không qua được. Bác bảo:

– Chú làm tướng mà chậm đi mất 15 phút thì bộ đội của chú sẽ hiệp đồng sai đi bao nhiêu? Hôm nay chú đã chủ quan, không chuẩn bị đầy đủ các phương án, nên chú đã không giành được chủ động.

Một lần khác, Bác và đồng bào phải đợi một đồng chí cán bộ đến để bắt đầu cuộc họp. Bác hỏi:

– Chú đến chậm mấy phút?

– Thưa Bác, chậm mất 10 phút ạ!

– Chú tính thế không đúng, 10 phút của chú phải nhân với 500 người đợi ở đây.

Bác quý thời gian của mình bao nhiêu thì cũng quý thời gian của người khác bấy nhiêu, vì vậy thường không bao giờ để bất cứ ai phải đợi mình.

Năm 1953, Bác quyết định đến thăm lớp chỉnh huấn của anh chị em tri thức, lúc đó đang bước vào cuộc đấu tranh tư tưởng gay go. Tin vui đến làm náo nức cả lớp học, mọi người hồi hộp chờ đợi.

Bỗng chuyển trời đột ngột, mây đen ùn ùn kéo tới, rồi một cơn mưa dồn dập, xối xả, tối đất, tối trời, hai ba tiếng đồng hồ không dứt. Ai cũng xuýt xoa, tiếc rẻ: mưa thế này, Bác đến sao được nữa, trời hại quá.

Giữa lúc trời đang trút nước, lòng người đang thất vọng, thì từ ngoài hiên lớp học có tiếng rì rào, rồi bật lên thành tiếng reo át cả tiếng mưa ngàn, suối lũ:

– Bác đến rồi, anh em ơi! Bác đến rồi!

Trong chiếc áo mưa ướt sũng nước, quần sắn đến quá đầu gối, đầu đội nón, Bác hiện ra giữa niềm ngạc nhiên, hân hoan và sung sướng của tất cả mọi người.

Về sau, anh em được biết: giữa lúc Bác chuẩn bị đến thăm lớp thì trời đổ mưa to. Các đồng chí làm việc bên cạnh Bác đề nghị Bác cho báo hoãn đến một buổi khác. Có đồng chí đề nghị tập trung lớp học ở một địa điểm gần nơi ở của Bác…

Nhưng Bác không đồng ý: “Đã hẹn thì phải đến, đến cho đúng giờ, đợi trời tạnh thì biết đến khi nào? Thà chỉ một mình Bác và một vài chú nữa chịu ướt còn hơn để cả lớp học phải chờ uổng công!”.

Ba năm sau, giữa thủ đô Hà Nội đang vào xuân, câu chuyện có thêm một đoạn mới. Vào dịp tết cổ truyền của dân tộc, hàng trăm đại biểu các tầng lớp nhân dân thủ đô tập trung tại Uỷ ban Hành chính thành phố để lên chúc tết Bác Hồ. Sắp đến giờ lên đường, trời bỗng đổ mưa như trút. Giữa lúc mọi người còn đang lúng túng thu xếp phương tiện cho đoàn đi để Bác khỏi phải chờ lâu thì bỗng xịch, một chiếc xe đậu trước cửa. Bác Hồ từ trên xe bước xuống, cầm ô đi vào, lần lượt bắt tay, chúc tết mỗi người, trong nỗi bất ngờ rưng rưng cảm động của các đại biểu.

Thì ra, thấy trời mưa to, thông cảm với khó khăn của ban tổ chức và không muốn các đại biểu vì mình mà vất vả, Bác chủ động, tự thân đến tại chỗ chúc tết các đại biểu trước. Thật đúng là mối quan tâm của một lãnh tụ suốt đời quên mình, chỉ nghĩ đến nhân dân.

Ý nghĩa câu chuyện:

Trong câu chuyện, Bác đã chỉ ra rằng “Thời gian là quý báu lắm”, mỗi một giờ, một phút, một giây, đều có ý nghĩa của nó. Thực tế trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác luôn sử dụng hiệu quả quỹ thời gian, luôn hết sức tiết kiệm không để lãng phí. Càng quý thời gian của mình bao nhiêu, Bác càng quý thời gian của người khác bấy nhiêu. Mặc dù trời mưa tầm tã, Bác vẫn mặc áo mưa, đội nón, sắn quần qua đầu gối đến thăm lớp chỉnh huấn của anh chị em trí thức, chỉ vì “ đã hẹn thì phải đến, đến đúng giờ”. Hình ảnh Bác mặc áo mưa, đội nón, sắn quần qua đầu gối đến thăm lớp chỉnh huấn, không ai nghĩ rằng đó là chân dung của một vị Chủ tịch nước mà tất cả đều cảm nhận. Hình ảnh đó còn thể hiện sự quan tâm, gần gũi, gắn bó chặt chẽ giữa lãnh tụ và quần chúng, làm cho mối quan hệ, tinh thần đoàn kết giữa Đảng và dân càng thêm gắn bó mật thiết, gần gũi.

Bài học kinh nghiệm:

Qua câu chuyện cho chúng ta thấy trong cuộc sống hằng ngày, mỗi người chúng ta phải biết sắp xếp quỹ thời gian sao cho phù hợp dù cho việc lớn hay nhỏ cũng cần phải có kế hoạch cụ thể, phải có quyết tâm để hoàn thành kế hoạch đề ra, không vì một trở ngại nào mà làm ảnh hưởng đến người khác, sống phải biết hy sinh cái riêng để phải biết quan tâm, gần gũi với mọi người, tạo mối quan hệ đoàn kết gắn bó với nhau.

Chia sẻ:

TIN MỚI

SỰ KIỆN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN