Nguyễn Ái Quốc và hành trình đến với Chủ nghĩa Mác – Lênin: sự lựa chọn của lịch sử

Nguồn: Cờ đỏ Thành phố Hồ Chí Minh

Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”. Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” một lần nữa khẳng định “luôn luôn kiên định và vững vàng trên nền tảng tư tưởng lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin”. Liền sau đó, đã xuất hiện những bài viết trên các trang mạng xã hội xuyên tạc về nội dung này. Các luận điệu xuyên tạc cho rằng việc Hồ Chí Minh đem chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam là một sai lầm.

Nguyễn Ái Quốc gặp chủ nghĩa Mác – Lênin

Tiếp nối các bậc tiền bối, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam. Trong khi các bậc tiền bối đi sang Trung Quốc, đi sang Nhật Bản, đi Thái Lan v.v…để tìm đường cứu nước thì Nguyễn Tất Thành đi sang phương Tây.

Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội Tours của Đảng Xã hội Pháp, tháng 12-1920. Ảnh tư liệu.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga (năm 1917) đã thức tỉnh các dân tộc thuộc địa trên thế giới, thức tỉnh những người nô lệ khắp năm châu. Từ thành công của cách mạng Tháng Mười Nga, Quốc tế Cộng sản – Quốc tế III do V.I. Lênin sáng lập ra đời. Tháng 7-1920, Nguyễn Ái Quốc lần đầu tiên đọc được “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I. Lênin đăng trên báo Nhân đạo. Sự kiện lịch sử trọng đại này được xem là dấu mốc ghi dấu ấn quyết định con đường cách mạng Việt Nam. Sau này, kể lại sự kiện này, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”! Từ đó, tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba[1]”.

Trong bài viết “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin”, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết: “Lúc bấy giờ tôi ủng hộ Cách mạng Tháng Mười chỉ là theo cảm tính tự nhiên. Tôi chưa hiểu hết tầm quan trọng lịch sử của nó. Tôi kính yêu Lênin vì Lênin là một người yêu nước vĩ đại đã giải phóng đồng bào mình; trước đó, tôi chưa hề đọc một quyển sách nào của Lênin viết. (…) Còn như đảng là gì, công đoàn là gì, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là gì thì tôi không hiểu (…). Lúc đầu chính là chủ nghĩa yêu nước chứ chưa phải là chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba. Từng bước một, trong cuộc đấu tranh vừa nghiên cứu lý luận Mác – Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ[2]”.

Ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, ngày 21-9-1969, tạp chí Đất nước tại Sài Gòn đã đăng bài viết của giáo sư Lý Chánh Trung với tiêu đề “Nói chuyện với người đã khuất”. Bài viết có đoạn: “…Trong một bài báo viết năm 1968, Linh mục Trương Bá Cần đã giải đáp rõ ràng câu hỏi: “Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm một giải pháp cho quê hương, nhưng không còn giải pháp nào khác ngoài giải pháp Ðệ tam Quốc tế (NV – Quốc tế III). Chúng ta đã thấy sự tin tưởng của Phan Bội Châu và các đồng chí ở sự giúp đỡ của Trung Hoa và Nhật Bản bị phản bội. Ở Âu châu, không một quốc gia, không một đảng phái nào có chủ trương chống thực dân, ngoài Nga sô (NV – Liên Xô) và Cộng sản Ðệ tam Quốc tế. Vì thế mà ở Ðại hội của đảng Xã hội Pháp năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu cho việc sát nhập đảng Xã hội Pháp vào Ðệ tam Quốc tế… Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn Mác Lênin bởi vì không còn một sự lựa chọn nào khác[3]”.

Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh với việc vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin

Tin theo Lênin, đi theo con đường của Lênin vĩ đại, Tại diễn đàn quan trọng này, Nguyễn Ái Quốc đã tố cáo những sự thật tàn bạo mà thực dân Pháp đã thi hành ở Đông Dương. Người kêu gọi Đảng Xã hội Pháp hãy hành động để ủng hộ các dân tộc bị áp bức, trong đó có nhân dân Đông Dương.

Tranh vẽ thể hiện Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản và thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam được tổ chức tại Hongkong (Trung Quốc) từ ngày 6/1 đến 7/2/1930, dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Ảnh tư liệu.

Trả lời phỏng vấn Đài tiếng nói Việt Nam gần đây, Tiến sỹ Evgeny Kobelev, chuyên gia Viện Hàn lâm Khoa học Nga đã khẳng định Nguyễn Ái Quốc đã tiếp thu và vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin. Tiến sỹ Evgeny Kobelev cho rằng có ba sai lầm của Đảng Cộng sản Bolshevik mà Hồ Chí Minh đã tránh được, đó là: “Một là Đảng Bolshevik đã từ chối hợp tác với các lực lượng cách mạng khác. Hồ Chí Minh thì ngược lại, đã thành lập Mặt trận Việt Minh và tất cả những người yêu nước có thể vào mặt trận này. Hai là Đảng Bolshevik chống lại tất cả các tôn giáo, nhất là Công giáo và do đó đã gây ra nguyên nhân cho một cuộc nội chiến. Hồ Chí Minh thì ngược lại, tất cả những người theo tôn giáo đều có thể tham gia Việt Minh. Ba là, Chính phủ cách mạng Liên Xô đã tiêu diệt nhà vua và cả gia đình nhà vua Nicolas II. Hồ Chí Minh ngược lại, không tiêu diệt vua Bảo Đại mà đề nghị Bảo Đại làm Tổng cố vấn (Cố vấn tối cao – NV) của Chính phủ cách mạng[4]”. Tiến sỹ Evgeny Kobelev cho biết một trong các nguyên nhân làm cho Liên Xô sụp đổ chính là vào năm 1991, các phe đối lập ở Liên Xô đã triệt để lợi dụng ba sai lầm này của Đảng Bolshevik: “Phe đối lập đã sử dụng 3 sai lầm này của Đảng Bolshevik để chống lại Chính phủ Liên Xô, trên cơ sở đó làm Liên Xô tan rã[5]”.

Nếu như Đại hội VI Quốc tế Cộng sản năm 1928 đưa ra quan điểm: “Không giải phóng quần chúng lao động khỏi ảnh hưởng của giai cấp tư sản và chủ nghĩa dân tộc cải lương, thì không thể đạt được mục tiêu chiến lược cơ bản của phong trào cộng sản trong cuộc cách mạng dân chủ tư sản: Vai trò lãnh đạo của giai cấp vô sản[6]”. Nguyễn Ái Quốc cho rằng giai cấp tư sản dân tộc ở các nước thuộc địa bị chèn ép nên hầu như không có thế lực gì, vì vậy, không thể đổ cho họ đã đi về phe đế quốc: “Tư bản bản xứ đã thuộc tư bản Pháp, vì tư bản Pháp hết sức ngăn trở sức sinh sản làm cho công nghệ bản xứ không thể mở mang được. Còn về nông nghệ một ngày một tập trung đã phát sinh ra lắm khủng hoảng, nông dân thất nghiệp nhiều. Vậy tư bản bản xứ không có thế lực gì, ta không nên nói cho họ đi về phe đế quốc được[7]“. Vì vậy, “Đảng tập hợp và lôi kéo phú nông, tư sản và tư sản bậc trung[8]“. Toàn bộ giai cấp địa chủ ở các nước thuộc địa, theo Đại hội VI Quốc tế Cộng sản, là giai cấp phải đánh đổ, thì trong cương lĩnh, những người thành lập đảng lại khẳng định: “Chỉ bọn đại địa chủ mới có thế lực và đứng hẳn về phe đế quốc chủ nghĩa[9]“; “Còn đối với bọn phú nông, trung, tiểu địa chủ và tư bản An Nam mà chưa rõ mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng, ít lâu mới làm cho họ trung lập[10]“. Đối với tiểu tư sản, trí thức ở các nước thuộc địa, trong khi Đại hội VI Quốc tế Cộng sản ngăn rằng, không được liên minh với họ, thì trong cương lĩnh, những người thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930 lại khẳng định: “Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức…để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp[11]“….

Có thể khẳng định rằng, Nguyễn Ái Quốc tiếp thu chủ nghĩa Mác – Lênin và truyền bá vào Việt Nam, song đã tiếp thu một cách sáng tạo và thực hành một cách đầy sáng tạo phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tiễn và lịch sử Việt Nam. Việc Nguyễn Ái Quốc gặp chủ nghĩa Mác – Lênin và lựa chọn chủ nghĩa Mác – Lênin là sự lựa chọn của lịch sử, bởi khi ấy chỉ có chủ nghĩa Mác – Lênin mới có thể giúp chỉ ra con đường đấu tranh để đất nước Việt Nam giành được độc lập, giúp cho dân tộc Việt Nam thoát khỏi ách nô lệ, lầm than. Và, hiện nay chủ nghĩa Mác – Lênin vẫn là kim chỉ nam chỉ đường cho sự phát triển của đất nước Việt Nam. Kỷ niệm 132 năm ngày sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh, học Người là học những tư tưởng đổi mới, sáng tạo của Người./.

                                                                                           Hồng Phúc


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 12, tr. 562

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 562 và 563

[3] Phan Văn Hoàng: Hồ Chí Minh – Chân dung và di sản, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2018, tr. 171 – 172

[4] Báo VOV ngày 03-02-2020: Học giả Nga: “Làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Việt Nam sẽ ngày càng giành nhiều thắng lợi”, https://vovworld.vn/vi-VN/khach-moi-cua-vov/hoc-gia-nga-lam-theo-tu-tuong-ho-chi-minh-viet-nam-se-ngay-cang-gianh-nhieu-thang-loi-823576.vov, thời gian truy cập: 20-6-2021

[5] Báo VOV ngày 03-02-2020: Học giả Nga: “Làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Việt Nam sẽ ngày càng giành nhiều thắng lợi”, tlđd, thời gian truy cập: 20-6-2021

[6] Dẫn theo Mạch Quang Thắng: “Có một chủ nghĩa dân tộc của Hồ Chí Minh”, Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minhhttp://cis.org.vn/article/2891/co-mot-chu-nghia-dan-toc-cua-ho-chi-minh-phan.html, thời gian truy cập: 20-6-2021

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 3, tr.01

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 3, tr.04

[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 3, tr.04

[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 3, tr.03

[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 3, tr. 03

Chia sẻ:

BÀI VIẾT LIÊN QUAN