Nhân kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 / 19-5-2022), Công đoàn quận Tân Bình giới thiệu bài viết của Đại tá, TS, NGƯT Châu Nam Long xung quanh một số mẩu chuyện nêu gương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Bác Hồ lúc sinh thời.
Một đời giản dị
Sự giản dị và tiết kiệm của Bác Hồ được thể hiện trong suốt cuộc đời của Bác. Khi về tiếp quản Thủ đô, Bác không ở nơi ở và nơi làm việc cũ của viên Toàn quyền Pháp mà dùng vào việc tiếp khách và họp của Chính phủ. Theo ông Trần Việt Phương, nguyên thư ký riêng của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng thì Bác cho là ở nơi ấy xa hoa và lãng phí (quá rộng so với nhu cầu ở của Bác).
Bác tự chọn chỗ ở, bỏ qua những dãy nhà sang trọng dành cho các quan lại thực dân Pháp mà đi vào khu nhà dành cho những nhân viên, tạp dịch, phu phen. Bác thăm từng căn buồng, cuối cùng Bác chọn căn buồng 12m2 của người thợ điện. Căn buồng đó tối, mùa đông gió thốc vào lạnh, mùa hè thì rất nóng do trước cửa phòng là sân xi măng. Thương Bác, anh em phục vụ nhiều lần đề nghị Bác chuyển sang chỗ khác nhưng Bác không đồng ý và bảo: “Bác ở như vậy là phong lưu rồi, so với thời ở chiến khu, ở trong rừng và so với đồng bào là sướng hơn rồi”.
Ngày 1-3-1958, Bác tiếp đoàn đại biểu các dân tộc khu tự trị Việt Bắc, Bác xúc động nói: “Gặp các chú, Bác càng nhớ đồng bào… nhà sàn của đồng bào miền núi rất thoáng mát”. Các đồng chí dự buổi gặp đã hình thành ý tưởng dựng một ngôi nhà sàn để Bác ở và được Bác đồng ý. Kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh lúc ấy công tác ở Bộ Kiến trúc được giao thiết kế nhà sàn cho Bác. Theo thiết kế ban đầu, nhà gồm phòng làm việc, phòng ăn và phòng ngủ. Bác không đồng ý và nói: “Nhà ở Việt Bắc chỉ có 1 gian”. Sau nhiều lần đề nghị, Bác đồng ý thiết kế làm 2 phòng (phòng làm việc và phòng ngủ) cho đỡ tốn kém.
Tháng 4-1958, Đội Kiến thiết cơ bản thuộc Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng) do đồng chí Nguyễn Kim Toàn làm Đội trưởng đã được giao nhiệm vụ thi công nhà sàn của Bác. Ông Cù Văn Chước, đại diện cho Văn phòng Chủ tịch nước tham gia quản lý trong quá trình xây dựng. Đồng chí Tăng Văn Dong – Đội 1, Cục Cảnh vệ (Bộ Công an) tham gia bảo vệ công trình. Ngày 15-5-1958, ngôi nhà hoàn thành. Ngày 17-5-1958, Bác chuyển về ở ngôi nhà mới và ở cho đến ngày 17-8-1969. Sau 11 năm 3 tháng, vì lý do sức khỏe Bác mới phải rời xuống ở nhà 67. Nhà sàn hiện trở thành di tích lịch sử không chỉ vì là nơi Bác Hồ từng ở mà còn là nơi Bác tiếp khách trong nước và quốc tế. Đó cũng là nơi Bác viết lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước, khẳng định chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Là nơi Bác đã đưa ra nhiều quyết sách lớn cho việc xây dựng miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, nơi Bác viết bản di chúc gửi lại muôn vàn tình thương yêu cho toàn Đảng, toàn dân…
Tiết kiệm vì nhân dân còn nghèo
Là Chủ tịch nước nhưng Bác chỉ sử dụng chiếc ô tô do Liên Xô tặng từ khi về tiếp quản Hà Nội (xe Pobeda, hiệu Thắng Lợi). Vì sử dụng lâu ngày, xe xuống cấp, cán bộ giúp việc có ý định thay xe. Biết tin, Bác hỏi: “Xe hiện nay đã hỏng chưa?”. Anh em thưa: “Thưa Bác, xe hiện chưa hỏng nhưng thay đời xe mới chạy nhanh hơn và êm hơn”. Bác ôn tồn bảo: “Nếu thế thì chưa nên đổi, ai muốn đi xe chạy nhanh hơn, êm hơn thì đổi, Bác vẫn dùng chiếc xe này bởi nó chưa hỏng”. Và cứ như thế, Bác dùng chiếc xe cho đến khi Bác ra đi.
Bác Hồ của chúng ta cũng rất tiết kiệm trong việc sử dụng quần áo. Những người sống cùng thời và các cán bộ giúp việc cho Bác đều chứng kiến Bác chỉ dùng 2 bộ quần áo bằng vải kaki để tiếp khách trong nước và khách quốc tế. Hàng ngày Bác mặc quần áo lụa nâu may kiểu bà ba. Có lần cán bộ giúp việc may thêm cho Bác một bộ và đã tìm cách xử lý kỹ thuật cho nó có vẻ sờn cũ như 2 bộ Bác đang dùng, nhưng vẫn bị Bác phát hiện và phê bình: “Ai bảo các chú may quần áo mới cho Bác? Bác có 2 bộ là đủ dùng rồi. Hiện nay đồng bào ta còn nhiều người thiếu quần áo. Bác có như vậy là tốt lắm rồi”.
Còn rất nhiều mẩu chuyện về sự tiết kiệm của Bác mà tôi đã được nghe, được đọc. Tuy vậy, việc làm tôi xúc động nhất cho đến tận bây giờ là khi tôi tận tay cầm Bản Di chúc do chính Bác viết vào ngày 10-5-1969. Sau lễ tang Bác 3 ngày, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn đến gặp nhóm trợ giảng cho chuyên gia CHDC Đức chúng tôi giao nhiệm vụ chụp ảnh các Bản Di chúc của Bác Hồ. Bản di chúc này tự tay Bác viết nên vừa có tính pháp lý, vừa có tính thuyết phục cao. Do đó, Bộ Chính trị đã chọn làm Bản Di chúc được công bố chính thức.
Điều tôi muốn nói ở đây là, Bản Di chúc được Bác viết ở chính mặt sau của tờ bản tin của Việt Nam Thông tấn xã (tên gọi của Thông tấn xã Việt Nam ngày đó) do bản tin chỉ in trên một mặt giấy. Khi cầm những bản di chúc của Bác trên tay mà tôi bồi hồi nhớ lại hình ảnh của Bác trong 2 lần được gặp và miên man suy nghĩ về sự giản dị, liêm khiết, tiết kiệm của Bác. Lúc ấy tôi thực sự xúc động khi Bác dùng mặt sau của tờ bản tin mà viết những lời quý giá, vàng ngọc để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn Đảng, toàn dân Việt Nam và bạn bè quốc tế năm châu!
Cuối đời, Bác lại nêu tấm gương tiết kiệm và sự khiêm nhường có một không hai trên thế giới này. Đến nay, đã hơn 50 năm nhưng tôi vẫn thấy bồi hồi, xúc động đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết:
“…Bác để tình thương cho chúng con
Một đời thanh bạch, chẳng vàng son
Mong manh áo vải, hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn”.
Cán bộ, đảng viên phải nêu gương
Vinh dự của đời mình là tôi đã được trực tiếp gặp Bác Hồ 2 lần. Lần đầu tiên là tháng 8-1964, khi Bác đến thăm và nói chuyện với lớp lãnh đạo công an huyện ở hội trường của Trường Công an Trung ương – C500 (nay là Học viện An ninh nhân dân). Khi ra về thì bất ngờ các cháu thiếu nhi là con em cán bộ, nhân viên Trường C500 vây quanh chào đón. Bác tươi cười ôm một số cháu gần nhất vào lòng và không quên lấy kẹo trong túi áo chia cho từng cháu.
Tôi sung sướng đứng đối diện cách Bác không quá 2 mét say sưa ngắm nhìn Bác cười nói bên các cháu… Bác lúc ấy rất vui, hồng hào, khỏe mạnh. Lần gặp thứ 2 là đúng ngày mùng 1 Tết Nguyên đán năm 1966. Cuối năm 1964, tôi được Bộ Công an cử về công tác tại Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Quảng Ninh. Tối 30 Tết năm 1966, lãnh đạo đơn vị cử tôi tham gia bảo vệ Bác Hồ về ăn Tết với nhân dân tỉnh Quảng Ninh vào sáng mùng 1 Tết tại sân vận động Cọc 8.
Hiện nay, việc tiết kiệm trong toàn xã hội của chúng ta còn chưa tốt, nếu không muốn nói còn rất kém so với yêu cầu. Những tiệc cưới xa hoa, những bữa tiệc liên hoan vì nhiều lý do với nhiều món ăn “cao lương mỹ vị”, dùng rượu ngoại đắt tiền đã và đang được tổ chức hàng ngày mặc dù nhân dân ta nhiều người đang rất khó khăn, thiếu thốn, nhất là đồng bào miền núi, vùng sâu vùng xa. Trong cơ quan Nhà nước, tổ chức Đảng, các tổ chức đoàn thể xã hội, sự xa hoa phung phí tiền của, cơ sở vật chất không phải ít. Trước hết, hàng năm chi tiêu công của chúng ta còn quá lớn, ý thức tiết kiệm trong đội ngũ cán bộ Đảng viên còn kém. Tôi được biết có những đơn vị sự nghiệp hành chính, các tổ chức, đoàn thể dùng nước, dùng điện vô tội vạ, lãng phí…
Vì vậy việc thực hành chủ trương tiết kiệm, chống lãng phí hiện nay trong cả nước và ở Thủ đô Hà Nội cần phát động thành phong trào thi đua không những chỉ trong cán bộ, đảng viên, nhân viên Nhà nước mà phải thành phong trào quần chúng, trong toàn dân. Tuy vậy, để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đạt kết quả, trước hết phải dựa vào cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, các tổ chức, toàn thể từ đó lan tỏa ra quần chúng mới có cơ hội đi đến thành công. Đồng thời việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải đảm bảo thực chất, có kết quả cụ thể, gắn với việc đánh giá, kiểm tra cụ thể theo quy định. Mặt khác cần thiết phải gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là tư tưởng, đạo đức, tấm gương của Người về vấn đề này.