Ngày 22/3/1954: Mỗi mét chiến hào được đổi bằng mồ hôi và cả máu của các chiến sĩ Điện Biên

Bộ đội ta tiếp tục đào giao thông hào, hai đường trục hào chính từ phía Bắc tiến xuống, đã ôm lấy phân khu Trung tâm ở mặt đông và tây, đồng thời cô lập phân khu này với cụm cứ điểm Isabelle (Hồng Cúm) của địch ở phía nam.

Trục thứ nhất do Đại đoàn 312 đảm nhiệm đã tiến từ đồi Độc Lập sẽ nối liền với trục giao thông hào của Đại đoàn 308. Một nhánh của trục giao thông hào vượt qua sông Nậm Rốm tiến về phía Dominique 4 (Dominique – cụm cứ điểm đông sân bay, tả ngạn sông Nậm Rốm) và đường băng sân bay.

Trục thứ hai tạo thành một đường cánh cung rộng trên những cánh đồng phía tây rồi ngoặt xuống phía nam tới khu Trung tâm và cụm cứ điểm Isabelle (Hồng Cúm), và cũng tỏa ra nhiều hướng ôm lấy các cụm cứ điểm Huguette (D, E) và Claudine (nam sân bay Mường Thanh đến hữu ngạn sông Nậm Rốm), hình thành một mạng lưới bao vây địch ở Điện Biên Phủ.

Gần sáng ngày 22/3/1954, hai đường hào trục này đã nối liền với nhau. Trong quá trình bộ đội đào giao thông hào, địch cho máy bay ném bom, bắn phá và sử dụng các đội tuần tiễu bắn vào bộ đội ta, mỗi mét chiến hào được đổi bằng mồ hôi và cả máu của các chiến sĩ Điện Biên.

7 giờ 30 phút sáng 22/3, một đội tuần tiễu của địch đã phát hiện thấy một nhánh đường hào ngăn cản đường tiến quân của Pháp từ cụm cứ điểm Isabelle (Hồng Cúm) tới bản Kho Lai. Chúng cho Tiểu đoàn 3 thuộc trung đoàn bộ binh lê dương có xe tăng yểm trợ tiến ra lấp hào. Ở phía bắc, địch sử dụng một tiểu đoàn nữa cũng có xe tăng yểm trợ, huy động tiến ra chặn ta. Cuộc chiến đấu bảo vệ giao thông hào diễn ra gần 1 ngày, đến 16 giờ chiều mới kết thúc, ban đêm địch rút, bộ đội ta tiếp tục đào hào giao thông.

Phía địch:

Tại hầm Chỉ huy của Đờ Cát-xtơ-ri ở Điện Biên Phủ và Sở Chỉ huy của Cônhi ở Hà Nội, các chuyên viên và trợ lý sắp xếp lại các bức ảnh chụp hằng ngày từ máy bay trinh sát để theo dõi những tiến triển của các hệ thống hào giao thông của ta, giống như “sợi thòng lọng” đang bắt đầu thắt quanh Điện Biên Phủ.

Cônhi ra lệnh cho Đờ Cát-xtơ-ri chuẩn bị tiến hành “cuộc chiến đấu trong hầm hào”. Nhưng Đờ Cát-xtơ-ri trả lời rằng ông ta thiếu những người có chuyên môn cũng như các trang bị công binh về loại hình chiến tranh này (chiến đấu trong giao thông hào), yêu cầu Cônhi gửi cho ông ta tài liệu về quy tắc tổ chức trận địa giao thông hào, về chiến tranh hầm hào để thực hiện.

– Tại Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ Dulles vẫn tuyên bố một cách lạc quan về kế hoạch Nava. Trong thời gian ở Mỹ, Ely được gặp Tổng thống Mỹ, làm việc với Ngoại trưởng Mỹ, Giám đốc CIA, chủ tịch Hội đồng liên quân và đặc biệt tham dự một cuộc họp của Hội đồng tham mưu trưởng Hoa Kỳ vốn không dành cho sĩ quan nước ngoài. Ely đã nói rõ tình hình bế tắc ở Điện Biên Phủ. Các tướng tá Mỹ đều chăm chú lắng nghe nhưng không đưa ra bất cứ lời hứa hẹn nào cụ thể. Ely cố vớt vát bằng cách mô tả sức mạnh ghê gớm của pháo cao xạ do Trung Quốc và Liên Xô viện trợ cho Việt Minh ở Điện Biên Phủ.

Cũng trong ngày 22/3, máy bay vận tải C-119 của Mỹ hạ cánh xuống sân bay Cát Bi mang theo 20 tấn thiết bị quân sự viện trợ cho Pháp.

Trên các chiến trường phối hợp:

– Tại Hà Đông (nay thuộc Hà Nội), Tiểu đoàn 79 do đồng chí Đinh Văn Tuy chỉ huy, tiến công một đoàn xe trên đoạn đường từ Ninh Sở đến Chùa Trầm (Chương Mỹ), phá hủy 58 xe của địch. Tiếp đó một bộ phận của Đại đội 2 và Đại đội 47 thuộc Tiểu đoàn 79 diệt đơn vị địa phương quân ở Tiên Lữ (Chương Mỹ) và Do Lộ (Quốc Oai), từ đây khu du kích phía bắc Chương Mỹ được mở rộng nối liền khu du kích huyện Quốc Oai-Thạch Thất và khu du kích nam Chương Mỹ. Tuyến phòng thủ của địch trên đường 6A và tuyến phòng thủ sông Đáy bị uy hiếp nghiêm trọng.

– Quân và dân Đường số 5 tiến công hệ thống đường sắt của thực dân Pháp làm tê liệt 70km. Trên tuyến Đường 5 không ngày nào là không có xe địch bị trúng mìn của bộ đội địa phương và dân quân du kích. Để bảo vệ và mở thông Đường số 5, Cônhi tập trung 3 binh đoàn cơ động, ba tiểu đoàn khinh quân, một đơn vị công binh để mở cuộc hành quân giải tỏa. Tại Hưng Yên, Tiểu đoàn 653 tỉnh phối hợp bộ đội địa phương các huyện Mỹ Hào, Ân Thi phục kích tại Lương Xá diệt 72 tên địch, bắt 26 tên, phá hủy 7 xe quân sự.

Các chiến sĩ xung kích của ta đang cắt các hàng rào dây thép gai bắt đầu cuộc tấn công. Ảnh: TTXVN

– Tại Liên khu 5, Bộ Tư lệnh Liên khu 5 chủ trương tập trung lực lượng đánh bại các cuộc hành quân của địch trong Chiến dịch Át-lăng (Atlante) giai đoạn 2.  Trên hướng Phú Yên, Trung đoàn 803, sử dụng lực lượng tiêu diệt vị trí Plei Tàu, cắt đứt Đường 41. Lo ngại về sự xuất hiện của bộ đội ta phía sau lưng, Bộ Chỉ huy quân viễn chinh Pháp điều Binh đoàn cơ động số 100 đến chống đỡ, tại Play Rinh chúng bị Trung đoàn 803 tập kích tiêu diệt một phần tư lực lượng cùng nhiều xe quân sự. Bị tổn thất nặng, binh đoàn cơ động số 100 buộc phải lui về Pleiku củng cố. Chúng liên tiếp đưa ba tiểu đoàn khác đến tăng cường bảo vệ khu vực ngã ba đường số 7 và 14.

Sau 10 ngày chiến đấu, quân ta thiệt hại khá nặng. Lúc này, nhiệm vụ của lực lượng quân y rất nặng nề.
Trong cuốn “Điện Biên Phủ – Điểm hẹn lịch sử”, NXB Quân đội nhân dân (2000), nhà văn Hữu Mai viết lại hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Cán bộ, nhân viên trong những trạm quân y làm việc không kể ngày đêm, dùng từ những thứ thuốc quý do bộ đội ta đoạt được của địch, đến những rễ cây, lá thuốc trên rừng theo kinh nghiệm chữa bệnh của đồng bào địa phương, tìm mọi cách săn sóc cho thương bệnh binh mau hồi phục để trở về đơn vị. Đường chỉ đỏ về vận chuyển gạo trên biểu đồ nhích dần lên cao. Gạo, đạn và thuốc chữa bệnh là những nhu cầu cơ bản để duy trì cuộc chiến đấu.

Ngày xuất bản: 22/3/2024
Nội dung: ThS NGUYỄN THỊ THẢO – Viện Lịch sử quân sự, MAI THU NGỌC
Trình bày: DUY LONG
Ảnh: TTXVN

Chia sẻ:

TIN MỚI

SỰ KIỆN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN