Ngày 27/3/1954: Kết thúc Hội nghị Cán bộ thảo luận và quán triệt kế hoạch tác chiến đợt 2

Ngày 27/3/1954, kết thúc Hội nghị bàn về kế hoạch tác chiến Đợt 2 (diễn ra từ ngày 25 đến 27/3/1954), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trình bày báo cáo kết luận. Trong đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp yêu cầu: “Tập trung ưu thế tuyệt đối binh hỏa lực, tiêu diệt toàn bộ khu vực phía Đông Điện Biên Phủ, tạo điều kiện chuyển sang tổng công kích”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí trong Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam nghiên cứu kế hoạch tác chiến Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Trong bản báo cáo tại Hội nghị bàn về kế hoạch tác chiến Đợt 2 (diễn ra từ ngày 25 đến 27/3/1954), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tóm tắt tình hình trên mặt trận Điện Biên Phủ sau nửa tháng chiến đấu.

 * Tình hình trên mặt trận Điện Biên Phủ

   1. Về phía thực dân Pháp:

Sau Đợt 1, bộ đội ta đã tiêu diệt 3 tiểu đoàn địch, trong đó có 2 tiểu đoàn tinh nhuệ vào bậc nhất, đã phá vỡ phòng tuyến ngoại vi, làm cho trung tâm của địch sơ hở ở phía Bắc và Đông Bắc. Quân ta đã đánh địch phản kích, tiêu hao thêm một bộ phận sinh lực địch, đồng thời pháo kích diệt thêm nhiều mục tiêu khác.

Sau khi bị tiêu diệt một bộ phận sinh lực quan trọng và mất cả ba cứ điểm đề kháng ở cửa ngõ Đông Bắc và phía Bắc, địch đã tăng viện thêm một số đơn vị nhưng chưa đủ bổ sung cho những tổn thất vừa qua. Tuy vậy, lực lượng của chúng vẫn còn mạnh. Pháo binh và không quân hoạt động ngày càng ráo riết hòng phá các trận địa và sát thương sinh lực của ta.

2. Về phía ta:

Sau những chiến thắng đầu tiên, các đơn vị tham gia chiến dịch đã chấn chỉnh xong lực lượng. Tất cả các đơn vị đều tích cực tham gia vào việc xây dựng trận địa tiến công và đào hào vây lấn. Gần 100 km giao thông hào đã được đào và xây đắp đúng tiêu chuẩn. Đó là một công trình to lớn của ta. Nhờ công trình này, bộ đội ta có thể hạn chế viện binh của địch, ngăn cản sự tiếp tế của chúng, nhất là phát huy được tất cả các cỡ hỏa lực từ súng cối trở lên để uy hiếp khu vực trung tâm của địch. Một thành công nổi bật của việc xây dựng trận địa tiến công này là: làm cho các cuộc oanh tạc của địch gần như bị vô hiệu hóa; đồng thời thực hiện thành công việc thắt chặt vòng vây, tạo điều kiện để tiếp cận và tấn công quân địch.

Sau khi pháo binh ngừng bắn, lực lượng xung kích theo đường hào tiến sát các vị trí của địch trên đồi Him Lam và tiêu diệt cứ điểm quan trọng này ngay trong ngày mở màn chiến dịch 13/3/1954. Ảnh: TTXVN

 * Chủ trương tác chiến của Tổng Quân ủy

Trong đợt tiến công thứ hai này, bộ đội ta có nhiều điều kiện thuận lợi, như: binh hoả lực tập trung, trận địa tiến công và bao vây đã được xây dựng vững chắc, bộ đội ta đã có thêm kinh nghiệm chiến đấu, tinh thần địch sau mấy tháng bị vây hãm và sau mấy trận thất bại vừa qua đã giảm sút khá nhiều.

Căn cứ vào những phân tích tình hình trên mặt trận Điện Biên Phủ, Tổng Quân ủy chủ trương: Tập trung ưu thế tuyệt đối binh hỏa lực, tiêu diệt toàn bộ khu vực phía Đông Điện Biên Phủ, nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, trong đó có một số đơn vị cơ động; chiếm lĩnh toàn bộ các cao điểm phía Đông, biến những cao điểm đó thành trận địa của ta để uy hiếp khu vực Mường Thanh. Ở phía Tây, bộ đội ta tiêu diệt một số cứ điểm, tiến sát vào sân bay. Quân ta thực hiện chủ trương tác chiến trên là tạo đầy đủ điều kiện để chuyển sang tổng công kích, tiêu diệt toàn bộ quân địch trong tập đoàn cứ điểm.

Sân bay Mường Thanh bị quân ta pháo kích trong chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)

 * Nhiệm vụ cụ thể của các đơn vị:

Trong Đợt tiến công thứ hai này, Tổng Quân ủy giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị như sau:

– Đại đoàn 312: tiêu diệt các cứ điểm E, D1 và D2; đánh vị trí pháo binh địch ở điểm cao 210 và tiểu đoàn dù ngụy đóng ở khu vực này.

– Đại đoàn 316: tiêu diệt các cứ điểm A1, C1 và C2; đồng thời phối hợp với các đơn vị khác tiêu diệt lực lượng dù cơ động của địch.

– Đại đoàn 308: dùng hỏa lực kiềm chế pháo binh địch ở phía Tây Mường Thanh; tấn công các cứ điểm 106 và 310 ở phía Tây; cử một tiểu đoàn tham gia bộ phận thọc sâu vào tung thâm* phía Đông, tiêu diệt tiểu đoàn ngụy Thái số 2; phối hợp với Trung đoàn 98 của Đại đoàn 316 tiêu diệt lực lượng dù cơ động và chặn quân tiếp viện của địch từ Hồng Cúm lên vào ngày hôm sau.

– Trung đoàn 57 của Đại đoàn 304: kiềm chế các trận địa pháo binh địch ở Hồng Cúm, chặn quân tiếp viện của địch từ Hồng Cúm lên Mường Thanh và đánh quân nhảy dù ở xung quanh và phía Nam Hồng Cúm.

– Đại đoàn 351: trực tiếp yểm hộ bộ binh tiến công các cứ điểm: A1, D1, C1, E; áp chế pháo binh địch, tiêu diệt lực lượng cơ động của địch ở tung thâm* phía Đông Mường Thanh; kiềm chế pháo binh địch ở Mường Thanh và Hồng Cúm. Riêng Trung đoàn pháo cao xạ 367 yểm hộ cho bộ binh và pháo binh chiến đấu cả ngày lẫn đêm.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho rằng, so với đợt trước, cuộc chiến đấu sắp tới không giản đơn ở chỗ chỉ tiêu diệt từng tiểu đoàn địch riêng lẻ mà là một cuộc chiến đấu rất lớn, phức tạp, nhằm tiêu diệt nhiều tiểu đoàn địch trong một loạt trận công kiên tiêu diệt cứ điểm và những trận chiến đấu thọc sâu vào khu vực trung tâm, sát sông Nậm Rốm. Cuộc tiến công Đợt 2 này có tầm quan trọng đặc biệt, mang tính chất quyết định, tạo điều kiện chuyển sang tổng công kích, giành toàn thắng cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Chưa bao giờ bộ đội ta nhận một nhiệm vụ đánh công sự vững chắc, to lớn như lần này.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp quan sát trận địa lần cuối cùng trước khi phát lệnh nổ súng mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Việc quyết định bỏ phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” chuyển sang thực hiện phương châm “đánh chắc, tiến chắc” là một quyết định chính xác, phù hợp với tình hình thực tế để giảm thiểu tổn thất lực lượng, thực hiện “vây lấn” tập đoàn cứ điểm địch từ ngoài vào trong, lần lượt tiêu diệt từng cụm cứ điểm, tiến tới tiêu diệt hoàn toàn quân địch. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

 Chính vì vậy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kêu gọi: “Các đồng chí! Cuộc chiến đấu to lớn của chúng ta sắp bắt đầu. Cuộc chiến đấu này, như trên đã nói, có tính chất quyết định để chuyển sang tổng công kích.

 Cuộc chiến đấu này thắng lợi sẽ làm cho quân ta tiến bộ một bước vượt bậc, từ chỗ tiêu diệt từng tiểu đoàn địch trong công kiên chiến đến chỗ tiêu diệt mấy tiểu đoàn địch trong một trận. Cuộc chiến đấu này thắng lợi sẽ làm cho quân địch bị tổn thất rất nặng, làm cho chúng phải kinh hoàng trước tinh thần kiên quyết, dũng mãnh của Quân đội nhân dân Việt Nam, làm lay chuyển toàn bộ tập đoàn cứ điểm của chúng ở Điện Biên Phủ”.

 * Sau khi kết thúc Hội nghị bàn về kế hoạch tác chiến Đợt 2, một số cán bộ đơn vị ở lại làm việc thêm với Đảng ủy mặt trận. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tư lệnh chiến dịch, đã gặp riêng từng cán bộ, nhất là các Trung đoàn trưởng chỉ huy đánh hai cứ điểm A1 và C1, hai vị trí dự kiến sẽ có cuộc chiến đấu ác liệt hơn so với các mục tiêu khác. Đặc biệt, cứ điểm A1 là một vị trí then chốt của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm A1 được giao cho Trung đoàn 174.

  * Về phía thực dân Pháp

Trước vòng vây trận địa chiến hào của bộ đội ta đang dần khép chặt, thực dân Pháp cũng ráo riết chuẩn bị mọi mặt để đối phó với đợt tiến công mới của bộ đội ta. Tuy nhiên, chúng cũng gặp nhiều khó khăn. Cầu hàng không của chúng đã hoàn toàn bị cắt đứt, vì đường băng của sân bay Mường Thanh đã nằm trong tầm hoả lực của bộ đội ta.

Đến ngày 27/3/1954, hoạt động tiếp tế, vận tải của địch ở sân bay Mường Thanh hoàn toàn bị chấm dứt. Địch phải dựa vào biện pháp duy nhất là thả dù, nhưng rất bấp bênh và tốn kém. Trong suốt chiến dịch địch đã phải thả hơn 55.750 chiếc dù, trung bình mỗi ngày khoảng 1.000 chiếc. Nhu cầu vật chất tính toán theo đầu người lúc đầu dự tính là 7 ki-lô-gam/ngày, nay đã vượt quá 12 ki-lô-gam/ngày.

Việc thả dù của địch khó khăn là do hoả lực pháo cao xạ của bộ đội ta ngày càng phát huy mạnh mẽ. Trung đoàn 57 đã thực hiện thành công việc chia cắt địch ở Mường Thanh và Hồng Cúm.

Nguồn:

– TTXVN

– Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng tập Hồi ký, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2010, tr. 1022, 1023

– Đại tướng Hoàng Văn Thái: Tổng tập, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2007, tr. 76, 77, 355

– Một số văn kiện chỉ đạo chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954

– Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr. 464 – 472

Chia sẻ:

TIN MỚI

SỰ KIỆN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN