Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ IV được tiến hành sớm hơn một năm trong điều kiện cách mạng Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn mới – giai đoạn đất nước thống nhất, cả nước cùng đi lên CNXH.
Ngày 8/5/1978 Đại hội lần thứ IV Công đoàn Việt Nam khai mạc tại Hội trường Ba Đình – Hà Nội. Đại hội diễn ra trong 4 ngày (từ 8/5 đến 11/5/1978).
Tham dự Đại hội có 926 đại biểu thay mặt cho trên 3 triệu đoàn viên công đoàn, công nhân, viên chức trong cả nước. Đây là Đại hội đầu tiên của phong trào công đoàn Việt Nam sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, nước nhà thống nhất và tổ chức Công đoàn hai miền Nam Bắc đã được thống nhất.
Đại hội vinh dự được đón các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, có đồng chí Lê Duẩn, Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng chí Tôn Đức Thắng, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch danh dự Tổng Công đoàn Việt Nam; đồng chí Trường Chinh, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy Ban Thường vụ Quốc hội; đồng chí Phạm Văn Đồng Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ và các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị đến dự Đại hội.
Đại hội đã đề ra mục tiêu: “Động viên giai cấp công nhân và người lao động thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa trong cả nước”.
Đại hội đã cụ thể hóa những nhiệm vụ cách mạng của giai cấp công nhân và phong trào công đoàn theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng mà nhiệm vụ trọng tâm là: “tập hợp, vận động công nhân lao động hăng hái thi đưa sản xuất, thực hiện thắng lợi kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ II”. Đại hội đề ra 8 nhiệm vụ cụ thể là:
– Phát động phong trào cách mạng của công nhân viên chức thi đua lao động sản xuất cần kiệm xây dựng CNXH nhằm tăng năng suất lao động, hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước.
– Đẩy mạnh phong trào công nhân viên chức thi đua phục vụ nông nghiệp.
– Tổ chức và từng bước cải thiện đời sống, phát triển phúc lợi bảo vệ lợi ích chính đáng của công nhân viên chức.
– Vận động cán bộ viên chức tích cực tham gia hoàn thành các quan hệ sản xuất ở miền Nam.
– Tích cực tham gia cải tiến quản lý xí nghiệp, quản lý kinh tế, quản lý Nhà nước nhằm củng cố và quan hệ sản xuất XHCN.
– Đẩy mạnh giáo dục chính trị, văn hóa, kỹ thuật và nghiệp vụ cho công nhân viên chức.
– Tích cực góp phần tăng cường đoàn kết lao động và phong trào công đoàn thế giới đấu tranh vì quyền lợi của những người lao động, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và CNXH.
– Cải tiến công tác, xây dựng công đoàn vững mạnh.
Đại hội bầu ra Ban Chấp hành Tổng Công đoàn Việt Nam gồm 155 Ủy viên.
Ban Thư ký gồm 12 đồng chí: Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Đức Thuận, Nguyễn Hộ, Mai Văn Bẩy, Nguyễn Văn Diện, Vũ Định, Đỗ Trọng Giang, Nguyễn Thị Hiếu, Trần Anh Liên, Nguyễn Tam Ngô, Nguyễn Thuyết, Nguyễn Văn Ưng (tức Tấn).
Đồng chí Nguyễn Văn Linh, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (sau này là Tổng Bí thư BCHTW Đảng) được bầu làm Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam, đồng chí Nguyễn Đức Thuận được bầu làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký và đồng chí Nguyễn Hộ được bầu làm Phó Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam. Ban Kiểm tra có 7 Ủy viên, do đồng chí Nguyễn Văn Ưng làm Trưởng ban.