Chương trình bình luận về lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao là một trong những nội dung quan trọng do Trung tâm Tin tức HTV sản xuất nhằm phản ánh về vấn nạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao đang rất nhức nhối hiện nay. Chiêu thức của các đối tượng ngày càng tinh vi, bài bản, thay đổi liên tục và sử dụng công nghệ ngày càng hiện đại, trong đó có trí tuệ nhân tạo (A.I.). Người bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản không còn giới hạn ở những người lớn tuổi thường không nắm vững công nghệ (smartphone), mà cả những người trẻ tuổi hơn, hiểu biết công nghệ và có trình độ chuyên môn cao trên các lĩnh vực.
Chương trình tập trung phản ánh các nhóm chiêu thức, thủ đoạn; đồng thời, phân tích, làm rõ để người xem rút ra kinh nghiệm và có sự phòng vệ cần thiết để bảo mật thông tin cá nhân và thiết bị thông minh, giảm thiểu tối đa rủi ro bị lừa đảo. Một khi bị các đối tượng chiếm đoạt tài sản (thường là lấy tiền trong tài khoản ngân hàng, chuyển khoản ra nước ngoài), cơ quan chức năng rất khó xử lý và hỗ trợ lấy lại số tiền đã mất.
Ngoài ra, gần đây, trí tuệ nhân tạo (A.I.) được các đối tượng tận dụng, khai thác triệt để để giả giọng nói, cắt ghép hình ảnh (tĩnh, video) (Deepfake) nhằm lừa gạt, hạ uy tín, tống tiền nhiều người nổi tiếng, có vị trí trong xã hội, thậm chí là lãnh đạo cấp cao.
Cùng khám phá những nguy cơ tiềm ẩn và cách bảo vệ bản thân trước tội phạm công nghệ cao trong chương trình bình luận “An toàn số: Cuộc chiến không ngừng” 🛡️
🔥 5 tập hấp dẫn, hé lộ những vụ án, lừa đảo online… và những giải pháp bảo mật thiết thực. 🔥
✅ Tập 1: Ma trận mã độc: Thủ đoạn phổ biến để chiếm đoạt tài sản là lừa ấn (click) vào đường link lạ, từ đó mã độc được phát tán và cài đặt trên điện thoại, chiếm quyền kiểm soát hoặc lấy cắp các thông tin quan trọng. Vì vậy, nạn nhân bị lấy hết tiền trong tài khoản. Mã độc này có thể ẩn trong ứng dụng giả mạo như VNeID, VssID…
✅ Tập 2: Thao túng tâm lý
Một điều khó tin là nhiều vụ lừa đảo xảy ra bắt nguồn từ một cuộc điện thoại. Người gọi nói chuyện, trao đổi các vấn đề để người nghe làm theo, như thể bị “thôi miên”. Trước đây, tội phạm đánh vào tâm lý “lo sợ” (giả danh cơ quan công an, tư pháp), sau đó chuyển sang đánh vào tâm lý “trấn an” (sẽ hỗ trợ giải quyết vấn đề nghiêm trọng, như dính líu vào đường dây lừa đảo…). Một hình thức thao túng tâm lý khác là nhắm vào lợi ích kinh tế, sẽ được tiền khi tham gia nhiệm vụ, hoặc lãi suất đầu tư cao khi tham gia dự án, v.v.
✅ Tập 3: Khi A.I. tiếp sức
Trí tuệ nhân tạo (A.I.) đã trở thành công cụ đắc lực cho tội phạm lừa đảo. Việc tái tạo giọng nói của ai đó, cắt ghép hình ảnh, video đã trở nên dễ dàng và ngày càng cho kết quả như thật, mắt thường (nhìn, nghe qua điện thoại) khó có thể nhận ra. Nhiều trường hợp bị hạ uy tín, tống tiền cũng vì A.I. Trước đây, Deepfake nổi lên như một “hiện tượng”, đã khiến nhiều người mất tiền, mặc dù khi đó, công nghệ mới ở giai đoạn đầu. Giờ đây, A.I. càng phát triển thì hình thức lừa đảo này ngày càng tinh vi và khó kiểm soát.
✅ Tập 4: Telegram: Mặt trái ẩn giấu
Trong nhiều vụ án lừa đảo, nạn nhân bị dẫn dụ cài đặt Telegram, tham gia nhóm chat… Telegram là nền tảng nhắn tin với công nghệ bảo mật rất cao, được tội phạm “ưa chuộng”. Không những vậy, nhiều vụ cướp ngân hàng, phạm tội nghiêm trọng cũng được trao đổi riêng trên Telegram. Và một phần đặc biệt là nói về những thanh niên đã sai lầm khi tham gia các nhóm lừa đảo.
✅ Tập 5: Cuộc chiến không khoan nhượng
Tập cuối cùng của chương trình tập trung vào vai trò quan trọng của lực lượng an ninh mạng trong cuộc chiến chống lại các tội phạm mạng. Những hacker “mũ trắng” là những người hùng thầm lặng, không chỉ tìm kiếm lỗ hổng bảo mật mà còn giúp nâng cao nhận thức về an toàn thông tin trong cộng đồng. Cuộc chiến chống tội phạm lừa đảo là một hành trình phức tạp và đầy thử thách, với liên tục các hình thức lừa đảo ngày càng tinh vi. Sự hợp tác toàn cầu giữa các chuyên gia an ninh mạng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết để bảo vệ thông tin và tài sản của mọi người.
Nguồn: HTV Tin tức, Đài truyền hình TP. Hồ Chí Minh (HTV).