Ngày 7/5/1954 đã đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam và thế giới với chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
“Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân Việt Nam, mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới” tạo ra bước ngoặt lịch sử làm thay đổi hẳn cục diện chiến tranh, kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, tạo điều kiện đi đến ký kết Hiệp định Geneva (7/1954). Sự kiện này để lại nhiều dấu ấn đặc biệt.
Thắng lợi của chiến cuộc Đông Xuân 1953 – 1954, mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những chiến công vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Nó góp phần quyết định đưa đến việc ký kết Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương; kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến 9 năm, đồng thời kết thúc gần một thế kỷ đấu tranh kiên cường của dân tộc ta chống sự xâm lược, thống trị của thực dân Pháp; làm cơ sở vững chắc cho sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc sau này. Thắng lợi đó bắt nguồn từ khí thiêng sông núi, từ sức mạnh lưu truyền Bạch Đằng, Chi Lăng, Xương Giang, Đống Đa, Cách mạng Tháng Tám…; từ những nguyên lý cách mạng sáng ngời của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chính trị, nghệ thuật quân sự của Đảng; từ sức mạnh vô địch của quân và dân ta mà tựu chung lại được kết tinh sâu sắc ở khát vọng hòa bình, độc lập, tự do của dân tộc.
Đi cùng dặm dài của lịch sử, khát vọng hòa bình, độc lập, tự do đã luôn thấm nhuần trong tư tưởng, huyết mạch mỗi con người Việt Nam, được nuôi dưỡng và truyền lại qua bao thế hệ. Mỗi khi đất nước bị xâm lăng, ý chí độc lập, tự do lại được nhân lên gấp bội, như mạch ngầm tạo nên sức mạnh đưa đất nước, dân tộc vượt qua những thử thách ngặt nghèo trong những chặng đường đấu tranh thoát khỏi đời nô lệ.
Trong thời đại Hồ Chí Minh, “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”[1] . Với khát vọng cháy bỏng đó, toàn thể dân tộc Việt Nam đoàn kết chặt chẽ bên nhau, tiến hành thắng lợi chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, một trận chiến lớn nhất, đè bẹp ý chí xâm lược của kẻ thù trong lịch sử đấu tranh của các dân tộc bị áp bức chống lại đội quân xâm lược nhà nghề của chủ nghĩa đế quốc.
Trở lại tình hình, đến năm 1953, cuộc kháng chiến của nhân dân ta bước sang năm thứ tám. Kể từ sau Chiến thắng Biên Giới 1950 và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II (2-1951) của Đảng, lực lượng kháng chiến của ta đã trưởng thành về mọi mặt. Ta càng đánh càng mạnh, càng nắm vững quyền chủ động chiến lược trên các chiến trường. So sánh lực lượng giữa ta và địch đã có những thay đổi quan trọng. Chiến cuộc Đông Xuân 1953 – 1954 mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ là kết quả tổng hợp của quá trình vận động lịch sử khách quan của cuộc kháng chiến ở giai đoạn chín muồi để cho phép Đảng ta chuyển cuộc chiến tranh sang giai đoạn mới. Tuy nhiên, lịch sử diễn ra không đơn giản, trước nguy cơ thất bại của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ đã trực tiếp can thiệp vào cuộc chiến tranh Đông Dương. Điều đó một mặt làm tăng thêm thái độ ngoan cố, phản động của thực dân Pháp; mặt khác, đặt ra cho nhân dân ta một thử thách mới nghiêm trọng hơn, gây khó khăn lớn hơn cho cách mạng Việt Nam trên cả hai phương diện thế và lực trong cuộc đọ sức quyết liệt này. Kế hoạch Nava với mục tiêu “giành thắng lợi quyết định trong 18 tháng để kết thúc chiến tranh” là sự biểu hiện tập trung lập trường ngoan cố của thực dân Pháp, trên cơ sở tăng cường tiềm lực chiến tranh về mọi mặt, với sự viện trợ tích cực và trực tiếp của đế quốc Mỹ.
Trên thực tế, ngay từ ngày 20-11-1953, được sự giúp đỡ của Mỹ, thực dân Pháp đã tiến hành xây dựng nhanh chóng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất Đông Dương. Tổng số binh lực lúc cao nhất là 16.200 quân, gồm 12 tiểu đoàn và 7 đại đội bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 1 phi đội máy bay (12 chiếc), 1 đại đội vận tải. Thực dân Pháp đã bố trí lực lượng ở Điện Biên Phủ với 49 cứ điểm đề kháng mạnh với 3 phân khu liên hoàn. Nhiều tướng lĩnh và chính khách Pháp, Mỹ đã đến Điện Biên Phủ và tuyên bố đây là một pháo đài quân sự “bất khả xâm phạm”, một “con nhím” sẵn sàng nghiền nát bộ đội chủ lực của đối phương. Những người cầm đầu bộ máy chiến tranh của Pháp ở Đông Dương đã lấy Điện Biên Phủ làm nơi “thách đấu” với sự nghiệp kháng chiến của nhân dân ta.
Dự đoán chính xác âm mưu của địch, phân tích đúng so sánh lực lượng giữa ta và địch và khả năng diễn biến của chiến tranh trong bối cảnh lịch sử phức tạp lúc đó, với khát vọng hòa bình, độc lập, tự do của dân tộc, ngày 6-12-1953 tại chiến khu Việt Bắc, Bộ Chính trị đã họp và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày 15-3-1954, trong Chỉ thị gửi cho đồng chí Võ Nguyên Giáp – Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy mặt trận, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chiến dịch này là một chiến dịch lịch sử của quân đội ta, ta đánh thắng chiến dịch này có ý nghĩa quân sự và chính trị quan trọng. Địch sẽ ra sức đối phó, ta phải cố gắng, chiến đấu dẻo dai, bền bỉ, chớ chủ quan khinh địch, giành toàn thắng cho chiến dịch này”[2] . Thắng lợi của các trận đánh mở màn của chiến cuộc Đông Xuân 1953 – 1954 đã tạo tiền đề thắng lợi cho trận quyết chiến chiến lược ở Điện Biên Phủ. Đây là bước phát triển cao nhất, ở giai đoạn chín muồi của toàn bộ cuộc chiến Đông Xuân 1953 – 1954.
Với tinh thần cả nước hướng về Điện Biên Phủ, quyết giành cho được hòa bình, độc lập, tự do, chúng ta đã huy động đến mức tối đa cho chiến dịch lịch sử này. Về lực lượng quân sự, ta đã huy động 5 đại đoàn chủ lực (308, 312, 316, 304, 351) với tổng lực lượng xấp xỉ 5,5 vạn người. Lực lượng phục vụ chiến dịch có 260.000 dân công hỏa tuyến, hơn 600 xe ô tô, 20.000 xe đạp thồ và 11.800 thuyền, hàng chục tấn đạn dược, từ hậu phương được dồn ra mặt trận. Trong một điều kiện hết sức khó khăn, nhân dân đã “vét những hạt gạo cuối cùng cho bộ đội ăn no đánh thắng”. Con đường vận chuyển lên chiến trường mặc dù gặp phải sự phá hoại dữ dội của máy bay địch, song hàng nghìn dân công hoả tuyến vẫn ngày đêm đem những hạt gạo, những niềm tin của hậu phương ra tiền tuyến.
13 giờ ngày 13-3-1954, chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ được mở đầu bằng việc đánh chiếm các cứ điểm đồi Him Lam ở phía Bắc cứ điểm Điện Biên Phủ. Thực hiện phương châm của chiến dịch do Trung ương Đảng đề ra là “đánh chắc, tiến chắc”, sau 56 ngày đêm chiến đấu liên tục và anh dũng trước sự phản kích quyết liệt của địch được sự cứu viện của Mỹ, chiến dịch Điện Biên Phủ đã trải qua 3 đợt tiến công bằng một loạt trận đánh công kiên, toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ với 16.200 tên địch và nhiều trang bị vũ khí đã bị bộ đội ta tiêu diệt gọn vào lúc 17h30’ ngày 7-5-1945. Kế hoạch Nava của thực dân Pháp đã bị phá sản hoàn toàn. “Canh bạc Điện Biên Phủ” do tướng Nava đặt cược với hơn 40% quân số viễn chinh của Pháp ở Đông Dương được ném vào lòng chảo Điện Biên đã hoàn toàn bị mất trắng.
Có thể nói, cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 – 1954, mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ là sự hội tụ sức mạnh của quân và dân cả nước, sức mạnh của toàn dân tộc. Đó là sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam thần kỳ với sự hy sinh to lớn của đồng bào chiến sĩ cả nước với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” . Đó là thắng lợi của khát vọng hòa bình, độc lập, tự do của dân tộc, là bản anh hùng ca bất tử của cuộc chiến tranh nhân dân thần kỳ xứng đáng “được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ XX, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”[3] . Tiếp nối truyền thống và chiến công vang dội Điện Biên Phủ, quân dân Việt Nam lại tiếp tục làm nên những Chiến thắng Vạn Tường, Ấp Bắc, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, trận “Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972 và đặc biệt là Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Đã 68 năm trôi qua, tầm vóc, ý nghĩa của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vẫn vẹn nguyên giá trị. Những bài học của thắng lợi đó rất cần được đúc kết, vận dụng, trong đó bài học về phát huy giá trị của khát vọng hòa bình, độc lập, tự do đã, đang và sẽ còn mãi đối với nhiều thế hệ người Việt Nam và sẽ trường tồn với lịch sử dân tộc. Tuy nhiên hiện nay, trên một số phương tiện thông tin… đây đó xuất hiện những luận điệu xuyên tạc lịch sử, phủ nhận tầm vóc, giá trị chiến thắng Điện Biên Phủ của nhân dân Việt Nam. Họ tập trung xuyên tạc bản chất, tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta, cho rằng: “Cuộc kháng chiến chống Pháp như mọi người ngộ nhận, đó là cuộc đụng độ giữa hai thế lực hiếu chiến”…
Thực tiễn lịch sử đã bác bỏ những luận điệu sai trái trên. Chúng ta cần hiểu rằng đâu là nguồn gốc và ai là kẻ thủ phạm đích thực gây ra cuộc chiến tranh này; mục đích chính trị của các bên tham chiến là gì? Bởi lẽ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam đã giành bao công sức “chèo chống” để cố giành lấy hoà bình bằng giải pháp đàm phán và luôn để ngỏ cơ hội thương lượng hòa bình với Pháp mà cả nhân loại đều biết rất rõ lại là thủ phạm gây ra các cuộc chiến tranh như các thế lực thù địch cố tình “võ đoán”. Còn kẻ từng mang hàng chục vạn sĩ quan, binh lính của quân đội nhà nghề, hàng triệu tấn bom đạn, vũ khí, phương tiện chiến tranh tối tân nhất để giáng lên đầu hàng chục triệu người dân vô tội là chủ nhân của Tổ quốc Việt Nam thì được coi là hiệp sĩ của hoà bình… Xin khẳng định lại “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ” của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!”[4] Ý chí sắt đá của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Việt Nam là cuộc chiến tranh chính nghĩa. Thắng lợi vĩ đại của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ của nhân dân Việt Nam là kết quả của cả một quá trình đấu tranh cách mạng anh dũng, kiên cường, bất khuất với bao tổn thất, hy sinh dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh; là thắng lợi của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; thắng lợi của sự kiên trì đường lối tiến hành chiến tranh nhân dân và của nghệ thuật quân sự tài tình biết thắng từng bước. Trong cuộc chiến tranh này, chiến thắng đã thuộc về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, nhân dân và Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, thắng lợi của bạn bè, các lực lượng tiến bộ và yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Xây dựng một thế giới hòa bình, không có chiến tranh, đó cũng là thông điệp của nhân dân Việt Nam gửi tới bè bạn thế giới, bởi hơn ai hết nhân dân hiểu sâu sắc giá trị của hòa bình và quyết tâm phát huy tinh thần Điện Biên Phủ để chiến thắng nghèo nàn và lạc hậu, thực hiện thành công sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, “vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”[5] , đưa dân tộc Việt Nam vươn lên sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ mong đợi.
ThS VŨ THÀNH TRUNG
Khoa Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam – Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng) – 124 Đường Ngô Quyền – Quang Trung – Hà Đông – Hà Nội