Đồng chí Võ Văn Kiệt với tư duy đột phá, đổi mới, phát triển kinh tế thị trường nhiều thành phần

Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ cuối thập niên 70 đầu thập niên 80 đứng trước những khó khăn, thách thức của cơ chế quản lý kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp. Các lĩnh vực, ngành nghề kinh tế trì trệ, kém phát triển, sản xuất đình đốn, hàng hóa khan hiếm, đời sống nhân dân vô cùng thiếu thốn. Trong hoàn cảnh bức bối của nền kinh tế, đồng chí Võ Văn Kiệt có những suy nghĩ, ý tưởng, hành động táo bạo, mang tính đột phá về kinh tế, thể hiện bản lĩnh của người chiến sĩ cộng sản trung kiên, người cán bộ cách mạng dám nghĩ, dám làm, quyết đoán và đầy trách nhiệm trước Đảng, nhà nước và Nhân dân…

Đồng chí Võ Văn Kiệt cùng Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh đã năng động, sáng tạo, nhạy bén tìm tòi những cách thức mới, hướng đi mới tháo gỡ khó khăn, ách tắc, phát triển kinh tế phù hợp với thực tiễn, đặc điểm của Thành phố Hồ Chí Minh và Nam Bộ. Xây dựng, phát triển nền kinh tế sản xuất hàng hóa theo hướng thị trường, phát triển các thành phần kinh tế, chú trọng phát triển kinh tế tư nhân, tư bản tư nhân, liên kết hợp tác kinh tế với các quốc gia Đông Nam Á, đề cao vai trò của doanh nhân người Hoa… trở thành tư duy độc đáo của đồng chí Võ Văn Kiệt ở thời kỳ trước đổi mới 1986. Phát triển nền kinh tế sản xuất hàng hóa, kinh tế thị trường nhiều thành phần ở Thành phố Hồ Chí Minh làm cơ sở, tiền đề đưa đến công cuộc đổi mới toàn diện đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng có đóng góp công sức, trí tuệ của đồng chí Võ Văn Kiệt.

Sự am hiểu, tư duy và tầm nhìn sắc bén về thực tiễn

Đồng chí Võ Văn Kiệt là người con của vùng đất Nam Bộ, lãnh đạo cách mạng trên chiến trường miền Nam và kinh qua chiến trường Sài Gòn – Gia Định – Thành phố Hồ Chí Minh trong thời kỳ rất quan trọng trước và sau năm 1975. Mảnh đất này đã vun đắp, hình thành cho đồng chí Võ Văn Kiệt sự am hiểu, tư duy và tầm nhìn sắc bén về thực tiễn quá trình phát triển kinh tế, trong đó sự hình thành, phát triển rất sớm nền kinh tế sản xuất hàng hóa, kinh tế thị trường và mối quan hệ mật thiết giữa kinh tế Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh với khu vực Nam bộ, mối quan hệ kinh tế Thành phố với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt là vị trí, tầm quan trọng của kinh tế tư nhân, doanh nghiệp, thương nhân Hoa kiều trong sự phát triển kinh tế.

Những năm cuối thập niên 70 đầu thập niên 80 là giai đoạn Thành phố Hồ Chí Minh đứng trước những khó khăn, thách thức rất lớn về kinh tế – xã hội. Từ năm 1979 trở đi, kinh tế Thành phố suy giảm, kém phát triển, rơi vào khủng hoảng. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giảm sút; thương nghiệp, lưu thông hàng hóa bị ách tắc, thị trường bị gián đoạn, chia cắt. Tiền lương của công nhân viên chức Thành phố cứ giảm xuống mỗi năm từ 17% đến 27%, năm 1979 chỉ bằng 1/3 năm 1976. Các nông trường quốc doanh, hợp tác xã, tập đoàn sản xuất cũng gặp nhiều khó khăn, sản xuất nông nghiệp kém phát triển, làm ăn thua lỗ, hầu hết làm ăn kém hiệu quả. Đời sống nhân dân Thành phố vô cùng khó khăn. Lần đầu tiên nhân dân Thành phố phải ăn độn, có lúc mức độn lên đến hơn 90%. Đời sống xã hội, hoạt động văn hóa, tư tưởng có chiều hướng ngày càng xấu đi, số người thất nghiệp tăng lên hơn 300.000 người, có hơn 20.000 thợ giỏi của Thành phố vì thiếu việc làm phải bỏ nhà máy, xí nghiệp chạy ra bên ngoài làm ăn, tìm kế sinh nhai, đội ngũ lao động chất xám cứ mai một dần, nhiều cán bộ khoa học kỹ thuật, hàng loạt trí thức lớn đã phải bỏ trốn ra nước ngoài sinh sống. Tình hình chính trị, an ninh, trật tự xã hội bất ổn, số vụ trọng án ngày càng tăng lên, năm 1979 tăng 12% so với năm 1978, số vụ phạm pháp hình sự tăng lên 17.000 vụ (năm 1978) so với 11.000 vụ (năm 1976). Mối quan hệ giữa Thành phố trong sự phát triển kinh tế chung của vùng Nam Bộ bị ngắt quãng, chia cắt. Thành phố Hồ Chí Minh rơi vào hoàn cảnh “bị bao vây, cô lập” về kinh tế. Đảng bộ Thành phố đã đánh giá: “tình hình Thành phố chưa thật ổn định, cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, đang có nhiều khó khăn rất gay gắt và có mức phức tạp. Nền kinh tế bị đảo lộn, lại quản lý theo một cơ chế có nhiều mặt không phù hợp, cho nên ngày càng thêm mất cân đối nghiêm trọng…”[1]. Kinh tế kém phát triển, hàng hóa khan hiếm, vật giá tăng nhanh, lạm phát kinh tế và tiền tệ cao làm cho đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Tình hình chính trị, trật tự xã hội bất ổn, nhiều thế lực phản động nhân lúc khó khăn đó nổi lên quấy phá khắp nơi. Trong quá trình quán triệt, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương Đảng về cải tạo xã hội chủ nghĩa từ những năm 1976 – 1977 trở đi, đồng chí Võ Văn Kiệt cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng bộ Thành phố đã đúc kết một bài học kinh nghiệm sâu sắc về sai lầm “là chúng ta chưa nhận thức được thực trạng kinh tế – xã hội của thành phố, qua 21 năm sống dưới chế độ thực dân mới, đã là một khu vực có trình độ phát triển tư bản chủ nghĩa nhất định”[2]. Trong đó, sự phát triển của nền kinh tế với cơ cấu nhiều thành phần kinh tế khác nhau là đặc trưng cơ bản và cũng là tiềm năng, thế mạnh của kinh tế Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh. Chính vì vậy, đồng chí Võ Văn Kiệt và Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố thống nhất nêu lên quan điểm, chủ trương xây dựng, phát triển đồng thời các thành phần kinh tế. Đại hội lần thứ nhất của Đảng bộ Thành phố (4/1977) đã nhấn mạnh nhiệm vụ cải tạo xã hội chủ nghĩa là: “Cải tạo phải bảo đảm sản xuất phát triển không ngừng và cải thiện đời sống nhân dân, phải gắn liền với xây dựng mà xây dựng là chủ yếu, gắn liền với tổ chức lại sản xuất, phân bố lại lực lượng lao động xã hội nhằm tăng cường mạnh mẽ các thành phần kinh tế quốc doanh, hợp tác xã, tạo điều kiện cho kinh tế quốc doanh thực sự đóng vai trò chủ đạo, hướng dẫn các thành phần kinh tế khác”[3].

Giám đốc Công ty cơ điện lạnh Nguyễn Thị Mai Thanh tiếp xúc với Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong buổi gặp mặt các nhà doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh – Ảnh : Tự Trung

Sau năm 1975, đồng chí Võ Văn Kiệt giữ nhiệm vụ là Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy Ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Đến Đại hội IV của Đảng (12/1976) đồng chí Võ Văn Kiệt được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương và được bầu làm Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị và được phân công làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Với trọng trách được Đảng và Nhân dân giao cho, đồng chí Võ Văn Kiệt luôn thao thức, trăn trở trước thực trạng khó khăn, thách thức về kinh tế – xã hội của Thành phố. Thấu hiểu và xót xa trước tình cảnh người dân sinh sống ở “vựa lúa” của cả nước nhưng lại thiếu ăn, phải ăn độn hàng ngày đã thôi thúc, đè nặng trong tâm trí, suy nghĩ của đồng chí Võ Văn Kiệt. Là một chiến sĩ cộng sản, người cán bộ cách mạng kiên trung trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp – đế quốc Mỹ oanh liệt, từng vào sinh ra tử trên chiến trường Nam Bộ khốc liệt đã hun đúc nên bản lĩnh cách mạng kiên cường, tính chiến đấu, lòng quả cảm và tấm lòng thương dân của người cộng sản chân chính, đồng chí Võ Văn Kiệt khẳng định: “Không có chủ trương nào của Đảng Nhà nước làm cho dân đói khổ, cán bộ làm cho dân no lại bị kỷ luật. Còn nếu cấp trên nghiêm, cứng, cứ yêu cầu phải kỷ luật để làm gương, thì thà chịu mất chức còn hơn là ngồi đó để nhìn thấy dân mình đói khổ”[4]. Đồng chí Võ Văn Kiệt là một cán bộ lãnh đạo cách mạng luôn đấu tranh cho cái mới đúng đắn, dấn thân cho cuộc hành trình khám phá, tìm tòi, thực thi cái mới tốt đẹp, là hình mẫu một người cán bộ luôn “dám tự khẳng định, dám chịu trách nhiệm, dám chấp nhận mọi thử thách gian khổ để khai phá con đường mới, tháo gỡ mọi trói buộc, đẩy mạnh sản xuất…”[5]. Là một cán bộ lãnh đạo cách mạng luôn trung thành, kiên định với sự nghiệp cách mạng của Đảng, song, phẩm chất đáng quý của đồng chí Võ Văn Kiệt là không gập khuôn, máy móc, giáo điều chủ trương, chính sách mà luôn nhận thức linh hoạt, uyển chuyển, bám sát thực tiễn và đã “quán triệt, vận dụng sáng tạo và thực hiện bước đầu thắng lợi sự chuyển hướng trong chính sách kinh tế mà các nghị quyết của Đảng từng bước đề ra làm cho sản xuất bung ra đúng hướng…”[6]. Đồng chí Võ Văn Kiệt là một người cán bộ hoạt động cách mạng trên địa bàn Nam Bộ có thực tiễn phát triển kinh tế phong phú, đa dạng; lấy thực tiễn sinh động, đúng đắn làm ngọn cờ cách mạng để soi chiếu, kiểm nghiệm lại lý luận. Chính thực tiễn Thành phố Hồ Chí Minh hình thành trong tư duy, nhận thức, quan điểm cách mạng của đồng chí Võ Văn Kiệt: “Từ trong thực tiễn cái mới hợp quy luật đang có sức sống vươn lên mãnh liệt, được nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 của Trung ương Đảng, Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị khẳng định và soi sáng, đang mở ra những hướng suy nghĩ mới, cách làm ăn mới, tạo nên tiến bộ mới, khí thế mới trong sản xuất và lưu thông phân phối…”[7]. Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh trong những năm tháng khó khăn, gian khổ, đồng chí Võ Văn Kiệt càng kiên cường, bất khuất, phát huy tài năng, phẩm chất, trí tuệ, lý tưởng của người chiến sĩ cộng sản. “Chính từ trong khó khăn càng ngời sáng phẩm chất và tài năng của người lãnh đạo hết lòng vì nhân dân và sự phát triển của thành phố đông dân nhất nước. Chính từ thực tiễn “phá rào” tìm đường đổi mới cơ chế quản lý của Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương đã giúp Trung ương xác định con đường đổi mới tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng…”[8]; hình thành đường lối đổi mới kinh tế, bắt đầu từ đổi mới tư duy lý luận về kinh tế hàng hóa, kinh tế thị trường nhiều thành phần.

Là người con của đất Vĩnh Long, trưởng thành trên địa bàn Nam bộ đã hình thành cho đồng chí Võ Văn Kiệt có tư duy sáng tạo, tính cách linh hoạt, năng động, nhạy bén và am hiểu về sự phát triển kinh tế sản xuất hàng hóa, kinh tế thị trường trong sự phát triển kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh và Nam Bộ. Đồng chí Võ Văn Kiệt cùng tập thể lãnh đạo Đảng bộ Thành phố đã suy nghĩ, tìm tòi phương cách tháo gỡ khó khăn, tìm hướng đi mới phù hợp thực tiễn, mở đường cho sản xuất “bung ra”, phát triển đúng với đặc thù của kinh tế Thành phố là sản xuất hàng hóa theo hướng kinh tế thị trường. Đồng chí Võ Văn Kiệt là một cán bộ lãnh đạo Đảng luôn bám sát thực tiễn và tôn trọng quy luật khách quan của sự phát triển kinh tế; đặc biệt là tính khách quan, đặc thù của sự phát triển sản xuất hàng hóa, kinh tế nhiều thành phần đã phát triển qua một thời kỳ lịch sử lâu dài trên vùng đất Sài Gòn – Nam Bộ. Quá trình lãnh đạo cách mạng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh những năm sau giải phóng 1975, đồng chí Võ Văn Kiệt luôn chú trọng đến thành bại từ thực tiễn phong trào cách mạng, lấy thực tiễn làm thước đo lý luận và soi rọi, kiểm nghiệm đúng sai của lý luận. Chính vì vậy, thời điểm năm 1977, Trung ương có chỉ thị và chỉ đạo đẩy mạnh cải tạo xã hội chủ nghĩa về nông nghiệp, hoàn thành phong trào hợp tác hóa ở miền Nam trong sản xuất nông nghiệp, đồng chí Võ Văn Kiệt đã đi khảo sát, kiểm tra thực tế vùng ngoại thành Thành phố Hồ Chí Minh và công bố trên báo ý kiến của Thành ủy cho dừng lại vì nhận thấy chủ trương này không hiệu quả[9], không phù hợp với thực tiễn sản xuất nông nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng như trên toàn vùng Nam Bộ.

Đồng chí Võ Văn Kiệt là người cán bộ lãnh đạo cách mạng dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết đoán trong tư duy, quyết liệt trong chỉ đạo giải quyết những nhiệm vụ cấp bách, hệ trọng về kinh tế – xã hội, đời sống nhân dân. Những năm 1979-1980 là thời điểm Thành phố Hồ Chí Minh, miền Nam, cả nước rơi vào tình cảnh thiếu lương thực nghiêm trọng, dân phải ăn độn lúa mì, hạt bobo, các loại khoai, củ… Đồng chí Võ Văn Kiệt rất chạnh lòng, đau xót và đã tổ chức gặp gỡ, trao đổi thẳng thắn với cán bộ lãnh đạo các đơn vị: Giám đốc Ngân hàng Thành phố, Công ty Lương thực, Sở Tài chính, Sở Giao thông Vận tải và chỉ đạo: “Bây giờ có chuyện hệ trọng, nếu không giải quyết xong tôi không cho về. Bàn cách giải quyết lương thực cho dân: Sở Tài chính lo ngân sách, Ngân hàng lo tiền mặt, Giám đốc Công  ty Lương Thực Ba Thi mang tiền, đưa xe xuống các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long mua lúa theo giá sát thị trường, gấp 5 lần giá Nhà nước. Khi bà Ba Thi lo ngại: làm thế này là tôi dễ đi tù lắm, vì dám phá giá Nhà nước, lại chuyên chở gạo trái phép, Ông nói: “Chị cứ làm đi, nếu chị phải đi tù, thì tôi đem cơm cho chị”. (…)[10].

Những năm 1979 – 1980, lĩnh vực công nghiệp, thương mại của Thành phố Hồ Chí Minh gặp nhiều khó khăn, bế tắc và rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng, sản xuất ngưng trệ, lưu thông hàng hóa bị đứt quãng, chia cắt. Trước tình thế bức bách này, đồng chí Võ Văn Kiệt đã khảo sát thực tiễn, gặp gỡ, trao đổi và lắng nghe ý kiến, tâm tư, bức súc, nguyện vọng của giám đốc các xí nghiệp. Một giải pháp nhanh chóng được thực hiện, đồng chí Võ Văn Kiệt cho thành lập Câu lạc bộ giám đốc, tập hợp, quy tụ các giám đốc, bí thư, thư ký Công Đoàn của các nhà máy, xí nghiệp quốc doanh nhằm tìm lối thoát cho sản xuất, lưu thông hàng hóa. Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt được mời làm cố vấn. Câu lạc bộ đã tổ chức nhiều hội thảo, sinh hoạt chuyên môn, góp phần từ thực tiễn hình thành lý luận đường lối đổi mới kinh tế đất nước của Đảng. Thời gian này, Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt luôn suy nghĩ, trăn trở tìm kiếm những phương thức, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các xí nghiệp quốc doanh và trực tiếp xuống cơ sở chỉ đạo Nhà máy thuốc lá Vĩnh Hội, Dệt Phước Long, Dệt Thành Công, Bột giặc Viso… mạnh dạn “xé rào”, “cởi trói”. Ngày 31 tháng 12 năm 1980, tại Hội nghị tổng kết cuối năm ở Nhà máy thuốc lá Vĩnh Hội, đồng chí Võ Văn Kiệt đánh giá: “là sự đột phá về cung cách làm ăn. Từ nhân tố mới giàu ý nghĩa này, càng sáng tỏ thêm nhiều vấn đề cần chuyển biến mạnh trong nhận thức mới…”, “đây cũng là một điển hình về “xé rào”, thử nghiệm một cơ chế mới của đồng chí Võ Văn Kiệt trong thời kỳ làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh”[11].

Tạo động lực mạnh mẽ, thúc đẩy nhanh quá trình đổi mới

Những ý kiến, giải pháp táo bạo nhưng rất đúng đắn của đồng chí Võ Văn Kiệt về phát triển sản xuất hàng hóa, phát huy thế mạnh của kinh tế nhiều thành phần đã được Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh trong các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 (tháng 8 năm 1979), Hội nghị lần thứ 10 (năm 1980) ủng hộ, tán thành, triển khai thực hiện. Những chủ trương mới nhằm tháo gỡ tình trạng kinh tế đang khủng hoảng, sa sút, chủ động tìm hướng đi mới thích hợp nhằm thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển bằng nhiều biện pháp: liên kết nhiều nơi và bằng nhiều cách để tìm nguyên vật liệu sản xuất, thực hiện lương khoán, trả lương theo sản phẩm, kết hợp ba lợi ích… được triển khai trên thực tiễn Thành phố Hồ Chí Minh. Trong hoàn cảnh khó khăn, cản trở của cơ chế quản lý kinh tế không phù hợp, đồng chí Võ Văn Kiệt cùng Đảng bộ Thành phố đã mạnh dạn từng bước tháo gỡ khó khăn, tìm hướng mới phát triển, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, ổn định xã hội. Những năm cuối thập niên 70 đầu thập niên 80 với Thành phố Hồ Chí Minh là “đêm trước công cuộc đổi mới”, đồng chí Võ Văn Kiệt và Đảng bộ Thành phố với tinh thần cách mạng kiên cường, truyền thống năng động sáng tạo, và với bản lĩnh của một “Thành phố anh hùng” đã mạnh dạn từng bước “bung ra”, thoát dần cơ chế cũ, nhạy bén tìm tòi, nghĩ ra những hướng đi mới để tiến tới “xé rào, đột phá” đưa sản xuất của nhiều ngành kinh tế phát triển, tạo cơ sở, tiền đề, điều kiện quan trọng cho sự phục hồi, phát triển của sản xuất hàng hóa, kinh tế thị trường, kinh tế nhiều thành phần phát triển. Ngày 21 tháng 01 năm 1981, Hội đồng bộ trưởng ban hành Quyết định 25-CP đã đáp ứng thực tiễn khách quan, đúng đắn, phù hợp với yêu cầu phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh và tạo nên một làn gió mới cho các xí nghiệp quốc doanh trong cả nước bung ra phát triển sản xuất. Trung ương đã có quyết định quan trọng cho phép áp dụng chế độ ba kế hoạch: Kế hoạch của Trung ương, kế hoạch liên doanh liên kết với các cơ sở bạn, kế hoạch tự tìm kiếm nguyên liệu để sản xuất cho thị trường, một bước tiến mới rất quan trọng chuyển từ cơ chế, chính sách quản lý kinh tế cũ sang nền kinh tế sản xuất hàng hóa, kinh tế thị trường với cơ cấu nhiều thành phần kinh tế khác nhau.

Những ý kiến đúng đắn, phù hợp với thực tiễn kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh của đồng chí Võ Văn Kiệt và chủ trương của Thành ủy đã tạo cơ sở, tiền đề quan trọng cho nền kinh tế vượt qua rào cản của cơ chế. Nhiều doanh nghiệp bắt đầu tháo gỡ khó khăn, năng động bung ra sản xuất làm cho năng suất, sản lượng tăng và xuất hiện nhiều mô hình làm ăn mới: Công ty bột giặt miền Nam, Xí nghiệp thuốc lá, Dược phẩm 2-9, Nhà máy bia Sài Gòn, Dệt Thành Công, Phong Phú, Thắng Lợi, Phước Long… Ngay sau đó, Thành ủy phát động một phong trào học tập các điển hình mới trong kinh tế và triển khai nhiều giải pháp tích cực để tìm nguồn nguyên nhiên liệu sản xuất, tăng quyền chủ động cho cơ sở và doanh nghiệp phát triển sản xuất. Từ những thành công ban đầu bung ra sản xuất, Hội đồng Chính phủ ban hành các Quyết định 25/CP, 26/CP và Quyết định 182/CP về kế hoạch ba phần, trả lương khoán sản phẩm, phát huy quyền chủ động sản xuất cho cơ sở… đã tiếp thêm sức mạnh cho Thành phố tháo gỡ nhanh những rào cản của cơ chế để thúc đẩy sản xuất phát triển. Từ những năm 1980-1981 trở đi, Thành phố Hồ Chí Minh đã thực thi nhiều biện pháp tích cực để tháo gỡ khó khăn với những cách làm ăn mới như: khoán sản phẩm trong công nghiệp, gia tăng lợi ích lao động, thí điểm xuất nhập khẩu trực tiếp, liên doanh liên kết dưới nhiều dạng khác nhau để tự tạo nguồn vốn để giữ vững, phát triển sản xuất và gia tăng xuất nhập khẩu. Tinh thần và những ý kiến chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, “vượt lằn ranh” của cơ chế, chính sách lạc hậu, tìm hướng đi mới thích hợp của đồng chí Võ Văn Kiệt đã tạo niềm tin, động lực, sức mạnh để phá bỏ “rào cản”, bức phá phát triển kinh tế – xã hội. Đồng chí Võ Văn Kiệt đánh giá: “Ngay từ trước 1986, nhiều địa phương đã dũng cảm năng động, sáng tạo tìm những lối thoát để khắc phục những khó khăn của mô hình kinh tế cũ. Những công cuộc phá rào của công ty lương thực Thành phố Hồ Chí Minh, của Long An, của An Giang, cơ chế khoán của Đồ Sơn, những đột phá của các xí nghiệp như dệt Thành Công, đánh cá côn Đảo – Vũng Tàu, lụa Nam Định… là những sự sáng lạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Không có những sáng tạo đó, khó có thể dẫn đến đổi mới từ 1986. Bản tổng kết này phải ghi nhận công lao của những người tìm đường và mở đường cho công cuộc đổi mới mà Đảng đã tổng kết và nêu lên trong Nghị quyết của Đại hội VI”[12].

Với nhiều cố gắng trong cách làm mới, từ đầu thập niên 80 trở đi, nền kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu dần phát triển, tăng trưởng. Nhiều nhà máy, xí nghiệp khôi phục sản xuất, năng suất tăng lên. Sản xuất công nghiệp, nhiều ngành nghề thủ công nghiệp phục hồi sản xuất, bắt đầu tăng trở lại. Giá trị tổng sản lượng công nghiệp – thủ công nghiệp Thành phố năm 1981 tăng lên 26% so với năm 1980, đặc biệt là năm 1984 tăng 27,1% so với năm 1983; trong đó, công nghiệp quốc doanh tăng bình quân hàng năm là 19,7%, giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế Thành phố. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp bình quân hàng năm đạt 15,5%, đưa tỉ trọng công nghiệp từ 59,8% (năm 1981) tăng lên 67,6% (năm 1985); tỷ trọng sản lượng công nghiệp Thành phố chiếm trên 30% giá trị tổng sản lượng công nghiệp của cả nước. Xây dựng cơ bản tăng lên 20,8%, giao thông vận tải tăng 8,6%, nông nghiệp tăng 4,1% bình quân hàng năm, sản xuất nông nghiệp và xây dựng vùng nông thôn ngoại thành có một số biến đổi quan trọng. Nhiều ngành kinh tế phát triển tạo cơ sở cho phân phối lưu thông hàng hóa ở Thành phố thời kỳ này cũng chuyển biến theo. Thành phố xây dựng được hệ thống và mạng lưới thương nghiệp với 11 công ty chuyên doanh, 4 cửa hàng tổng hợp với 2.300 điểm bán lẻ và hơn 3.000 điểm bán lẻ cấp phường, xã… Mạng lưới thương nghiệp xã hội chủ nghĩa hình thành rộng khắp các quận, huyện góp phần thúc đẩy phân phối, lưu thông hàng hóa nhanh hơn, phục vụ đời sống nhân dân tốt hơn trước. Nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn liên doanh, liên kết với các tỉnh, thành xung quanh để tạo nguồn hàng hóa như Công ty kinh doanh lương thực Thành phố. Nhờ đó mà lượng hàng hóa thu mua được của Thành phố tăng trung bình gấp 1,5 lần, năm 1981 tăng gấp 3 lần năm 1980, năm 1984 tăng gấp đôi năm trước. Cùng với thương nghiệp quốc doanh, các hoạt động mua bán với số lượng hàng ngàn tiểu thương ở các chợ Thành phố đã tạo thành một “thị trường” phân phối hàng hóa rộng lớn phục vụ đời sống nhân dân. Đặc biệt, những năm trước đổi mới, Thành phố thực hiện xuất nhập khẩu tại chỗ làm cho ngoại thương tăng đều hàng năm đã góp phần thúc đẩy sản xuất của nhiều ngành kinh tế phát triển. Thị trường xuất khẩu của Thành phố mở rộng dần sang các quốc gia châu Á, châu Âu… Nhiều ngành nghề kinh tế phát triển đã đưa tổng sản phẩm xã hội Thành phố tăng bình quân trong 5 năm (1981-1985), mỗi năm đạt 13%. Thu ngân sách trong tổng sản phẩm xã hội tăng từ 10% (năm 1981) lên hơn 18,5% (năm 1985). So với thời điểm 10 năm trước (năm 1976), tổng sản phẩm trên địa bàn Thành phố năm 1985 tăng lên gấp hai lần; trung bình tăng bình quân hàng năm trong 10 năm (1976-1985) là 7,8%, đóng góp tỷ trọng tổng sản phẩm chiếm 25% cả nước.

Trong thời gian này, kinh tế – xã hội Thành phố cũng có nhiều biến đổi. Nền kinh tế hồi phục và phát triển, số người đến Thành phố làm ăn, sinh sống ngày càng nhiều làm cho dân số tăng nhanh. Khi Thành phố vừa được giải phóng, dân số đạt khoảng 3 triệu người. Nhưng sau 10 năm (1975-1985), dân số Thành phố tăng lên hơn 4 triệu; trong đó, dân số nội thành chiếm khoảng 70,6%, ngoại thành là 29,4%. Đời sống người dân Thành phố được cải thiện một bước; bình quân thu nhập đầu người ước tính đạt 290 USD (năm 1980) tăng lên khoảng 400 USD (năm 1985). Lương thực và nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tạm đủ để phân phối, phục vụ đời sống người dân. An ninh chính trị, trật tự xã hội được ổn định hơn so với những năm 1979-1980. Hệ thống giáo dục và y tế ngày càng được mở rộng, nâng cao, có những bước phát triển về số lượng và chất lượng. Giáo dục phổ thông với hơn 37.000 giáo viên và hệ thống trường học, lớp học được xây dựng xuống đến phường, xã… trung bình mỗi năm có hàng vạn học sinh tốt nghiệp phổ thông. Hệ thống trường đào tạo nghề của Thành phố lúc này với gần 20 trường đại học, trên 80 trường trung học – dạy nghề hàng năm có thể tiếp nhận 24.000 sinh viên và hơn 50.000 học viên của cả miền. Thời kỳ này, ở Thành phố đã có đến 10.000 cán bộ được đào tạo đến cấp đại học. Mạng lưới y tế Thành phố với 20 bệnh viên chuyên khoa, đa khoa đầu ngành có tổng cộng khoảng 11.300 giường bệnh, cùng với 11 bệnh viện, 57 phòng khám cấp quận, huyện đáp ứng cơ bản yêu cầu khám, chữa bệnh cho người dân của cả miền.

Đồng chí Võ Văn Kiệt không chỉ có tư duy nhạy bén, đột phá, đổi mới phát triển kinh tế sản xuất hàng hóa, kinh tế thị trường nhiều thành phần mà còn có tầm nhìn toàn diện, sâu rộng, sáng tạo về sự phát triển các loại hình, lĩnh vực, ngành nghề kinh tế. Trong những năm cuối thập niên 70, đầu thập niên 80, với cương vị là người đứng đầu Đảng bộ, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Văn Kiệt đã nhìn thấy tiềm năng, lợi thế, triển vọng phát triển kinh tế-xã hội, kinh tế biển, mở rộng, phát triển đô thị về phía Nam Thành phố, thông ra biển Đông, mở hướng phát triển vùng Nhà Bè, Cần Giờ. Trên cơ sở đề xuất ý kiến của đồng chí Võ Văn Kiệt và Đảng bộ Thành phố, ngày 29/12/1978, huyện Duyên Hải (Cần Giờ) thuộc tỉnh Đồng Nai được sáp nhập vào địa giới hành chính Thành phố Hồ Chí Minh theo Nghị quyết của Quốc hội khóa IV. Huyện Cần Giờ trở thành đơn vị hành chính duy nhất của Thành phố có biển (đường biển dài khoảng 20 km). Trung ương quyết định sáp nhập Duyên Hải – Cần Giờ vào Thành phố Hồ Chí Minh là một quyết sách lớn, đúng đắn, mang tính chiến lược đối với vùng đất này. Điểm độc đáo và là tiềm năng, thế mạnh vì Cần Giờ hội đủ các yếu tố tự nhiên quan trọng: có biển – đảo, hệ sinh thái rừng ngập mặn… cho phát triển toàn diện các mặt: kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh, phòng thủ khu vực, bảo vệ môi trường sinh thái, quy hoạch phát triển đô thị. Những năm đầu thập niên 80 trở đi, đồng chí Võ Văn Kiệt đã lãnh đạo chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh tập trung sức lực phát triển vùng đất Cần Giờ, hồi sinh hệ sinh thái rừng ngập mặn. Chính quyền Thành phố chỉ đạo Ty Lâm nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cùng lực lượng Thanh niên xung phong trồng lại rừng ngập mặn Cần Giờ. Qua hơn 4 năm, những năm 1983 – 1984 trở đi, rừng ngập mặn tái sinh rất nhanh, màu xanh rừng đước bao phủ 38.000 ha/71.000 ha đất tự nhiên của huyện. Rừng tái sinh lớn nhanh với tốc độ “thần kỳ”. Ngày 21/01/2000, rừng ngập mặn Cần Giờ được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên ở Việt Nam. Tầm nhìn và ý tưởng phát triển ra biển Đông, vùng biển – đảo Cần Giờ là định hướng, kỳ vọng của đồng chí Võ Văn Kiệt và cũng là khát vọng của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2002, trên cương vị Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Võ Văn Kiệt đã phân tích, đánh giá tiềm năng, thế mạnh, vị trí, vai trò, tầm quan trọng của vùng biển – đảo phía Nam Thành phố Hồ Chí Minh và nêu quan điểm chỉ đạo đánh thức tiềm lực, lợi thế Cần Giờ; đồng thời, định hướng phát triển vùng đất ven biển Cần Giờ trở thành khu đô thị du lịch, giải trí. Ngày 10/4/2002, Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi lời nhắn nhủ với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, vạch hướng, gợi mở con đường tiến ra biển và khẳng định, rất cần thiết phải có một dự án phát triển Cần Giờ trở thành một đô thị biển với: “Một công trình mang tính đột phá… Khu đô thị tầm cỡ không chỉ đối với nước ta mà ít ra cũng mang tầm cỡ khu vực Đông Nam Á,… Dự án Cần Giờ có thể so sánh với Langkawi của Malaysia, Pattaya của Thái Lan hay Bali của Indonesia… Lợi thế của Cần Giờ là có một vùng rừng đặc biệt hiếm hoi với một bờ biển dài trên 10km và rộng 3,4 km2…”[13]. Một định hướng đúng đắn, khoa học, phù hợp với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, hiện đại hóa và thực tiễn phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong chặng đường xây dựng, phát triển Thành phố Hồ Chí Minh những năm cuối thập niên 70 đầu thập niên 80 đã ghi nhận công lao, vai trò của đồng chí Võ Văn Kiệt cùng Đảng bộ Thành phố, thể hiện bản lĩnh cách mạng, đã mạnh dạn, năng động và nhạy bén thoát dần ra khỏi cơ chế quản lý kinh tế quan liêu, bao cấp, kế hoạch hóa, tập trung… chuyển sang cơ chế quản lý mới thích hợp, tìm hướng đi mới cho sản xuất, tạo ra những biến đổi bước đầu về kinh tế – xã hội. Những biến đổi này là cơ bản; đồng thời có ý nghĩa quan trọng là tạo cơ sở, nền tảng ban đầu cho công cuộc đổi mới của Thành phố và cả nước từ giữa thập niên 80 trở đi. Trong sự nghiệp đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng chí Võ Văn Kiệt cùng Đảng bộ Thành phố có nhiều sáng kiến, giải pháp quan trọng, “những sáng kiến và nhiều biện pháp – lúc đầu là biện pháp tình thế – và thực tiễn sinh động của Thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành căn cứ cho lãnh đạo Đảng có những quyết sách, để hoạch định mô hình phát triển kinh tế – xã hội kể từ Đại hội VI, tháng 12 năm 1986”… “có những bước đột phá, tháo gỡ những vướng mắc, đấu tranh và từng bước chiến thắng những trở lực của cơ chế cũ, làm sáng tỏ dần con đường đi và cách làm mới, tư duy mới, góp phần tích cực vào việc hình thành đường lối đổi mới của Đảng”[14]. Nghị số quyết 20 của Bộ Chính trị – Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa IX) khẳng định: “Thành phố có những đóng góp quan trọng trong việc hình thành, phát triển đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước như phát triển kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa, mở cửa, hội nhập kinh tế nước ta vào kinh tế khu vực và thế giới”[15].

Với vị trí, vai trò Bí thư Thành ủy và trọng trách trước Nhân dân, Tổ quốc, đồng chí Võ Văn Kiệt cùng tập thể lãnh đạo Đảng bộ Thành phố luôn tìm tòi, thử nghiệm mô hình mới, đề ra những giải pháp phát triển kinh tế – xã hội theo quy luật phát triển nền kinh tế hàng hóa, kinh tế thị trường nhiều thành phần; từ đó góp phần hình thành tư duy đổi mới về kinh tế của Đảng và Nhà nước ta. Từ kết quả đạt được và đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước những năm 1979 – 1980 chính là “hành trang về thực tiễn, lý luận quan trọng và quý báu” cho đồng chí Võ Văn Kiệt trên vai trò, cương vị một lãnh đạo Hội đồng bộ trưởng thời kỳ đổi mới sau Đại hội VI (12/1986) thực thi những quyết sách lớn mang tính đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. Đồng chí Võ Văn Kiệt thay mặt Hội đồng bộ trưởng ký nhiều văn bản quan trọng,[16] nhằm xóa bỏ cơ chế quản lý kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp, quan liêu, tạo động lực mạnh mẽ, thúc đẩy nhanh quá trình đổi mới, phát triển kinh tế sản xuất hàng hóa, kinh tế thị trường nhiều thành phần ở Việt Nam.

Ngày chủ nhật (5-2-1976) đồng chí Võ Văn Kiệt, bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh đã đến thăm và kiểm tra hoạt động của một số nhà máy và cửa hàng lương thực trong thành phố. ảnh: Đồng chí Võ Văn Kiệt đến thăm và nghe trình bày về hoạt động của cửa hàng quận 11.

Những đóng góp của đồng chí Võ Văn Kiệt và Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh đã được Bộ Chính trị – Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) ghi nhận, đánh giá cao. Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, Thành phố Hồ Chí Minh đã: “… năng động, sáng tạo và có những đóng góp quan trọng trong việc hình thành, phát triển đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước như phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở cửa, hội nhập kinh tế nước ta vào kinh tế khu vực và thế giới”[17]. Nhận xét, đánh giá về đóng góp của Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có công sức, trí tuệ của đồng chí Võ Văn Kiệt đối với quá trình tìm tòi, mở hướng phát triển nền kinh tế thị trường nhiều thành phần, đồng chí Trường Chinh nhấn mạnh: “Trong quá trình thực hiện các nghị quyết của Trung ương và chỉ thị của Chính phủ về cải tạo xã hội chủ nghĩa, các đồng chí đã phát huy tính năng động và tính sáng tạo, tìm tòi những hình thức và bước đi thích hợp…”[18]. Thực tiễn Thành phố Hồ Chí Minh trở thành cơ sở, tiền đề hình thành đường lối đổi mới đất nước của Đảng.

Tóm lại, Thành phố Hồ Chí Minh trên đường xây dựng, bảo vệ, đổi mới phát triển, mở cửa hội nhập vào khu vực, thế giới từ sau năm 1975 trở đi, đặc biệt giai đoạn 1975-1982 mang đậm dấu ấn của đồng chí Võ Văn Kiệt. Thực tiễn mô hình kinh tế thị trường với cơ cấu nhiều thành phần kinh tế được xây dựng, phát triển tại Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước có đóng góp từ ý tưởng, tư duy, trí tuệ và tâm huyết của đồng chí Võ Văn Kiệt. Với tư duy đột phá, sáng tạo, đổi mới, phát triển, tầm nhìn chiến lược, sâu sắc về xây dựng nền kinh tế thị trường nhiều thành phần và tính cách, phẩm chất của một cán bộ cách mạng sâu sát thực tế, dám nghĩ, dám làm, dám quyết định và dám chịu trách nhiệm, sẵn sàng dấn thân tìm tòi, thực thi cái mới, đồng chí Võ Văn Kiệt đã đưa Thành phố Hồ Chí Minh vượt qua giai đoạn khó khăn, gian khổ trong những năm cuối thập niên 70 đầu thập niên 80. Từ thực tiễn Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Văn Kiệt đã có nhiều đóng góp về lý luận và thực tiễn trong tiến trình xóa bỏ cơ chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp, mở đường, hoạch định, khởi xướng con đường đổi mới đất nước. Đồng chí Phạm Văn Đồng nhận xét: “Trong các đời Thủ tướng thì Võ Văn Kiệt – Sáu Dân là người làm được nhiều việc lớn nhất cho dân, cho nước”[19]. Một tấm gương ngời sáng về tài năng, đức độ, phẩm chất của người chiến sĩ cách mạng, người cộng sản chân chính của cách mạng Việt Nam.

Bài học kinh nghiệm quý báu và cũng là sự tổng kết thực tiễn sâu sắc, có ý nghĩa lớn lao của đồng chí Võ Văn Kiệt đối với Thành phố Hồ Chí Minh là: “Nếu cả nước chưa có một quyết sách chung để bứt phá và nâng cao chất lượng phát triển thì thành phố Hồ Chí Minh đương nhiên cũng bị ảnh hưởng. Nhưng thành phố Hồ chí Minh cũng có cái riêng của nó: Cơ chế hiện tại, vị trí của thành phố, bài học trước đây của thành phố… Nếu thành phố này có một cấp lãnh đạo dám chịu trách nhiệm với thực tế đòi hỏi trong từng bước đi thì không cần đặt ra sự phá bỏ cái gì, chỉ cần biết vận dụng có trách nhiệm những bài học đã thu được, dám sáng tạo, dám mở ra cái mới, tôi tin rằng thành phố sẽ phát triển với nhịp độ và chất lượng khác. Thành phố Hồ Chí Minh vốn có điều kiện huy động nhân tài, vật lực và có ảnh hưởng rất lớn với cả vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ (đối với miền Đông Nam Bộ là đương nhiên). Nếu thụ động, trên cho phép tới đâu thì làm tới đó, hài lòng rằng thế là nghiêm túc thì bất cứ cấp nào, ngành nào nhận thức như vậy, tôi cho là không đủ trách nhiệm…, có thể nói là sợ trách nhiệm. Sợ thì đồng nghĩa với an phận, triệt tiêu năng động.”[20]. Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay đang có được những thời cơ, tiềm năng, lợi thế; song, cũng phải đương đầu nhiều khó khăn, thách thức. Đảng bộ Thành phố đang thực hiện mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ quan trọng là: “Nâng cao bản lĩnh chính trị, trí tuệ, tính chiến đấu của toàn Đảng bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu của từng đảng bộ, đến từng chi bộ cơ sở… Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức, năng lực tốt, gắn bó, hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân;…”[21], xứng đáng với niềm tin của Nhân dân. Kế thừa, phát huy những đóng góp, thành quả cách mạng của đồng chí Võ Văn Kiệt, Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh nhất thiết phải xây dựng, đào tạo một lớp cán bộ lãnh đạo mới bản lĩnh, dũng cảm, thật sự có trách nhiệm trước nhân dân, quyết đoán, dám nghĩ, dám quyết định, dám chịu trách nhiệm về chức trách, nhiệm vụ được phân công.

Nguồn : TS. Nguyễn Thành Nam – Th.S  Đào Xuân Thủy (Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh); thanhuytphcm.vn

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bộ Chính trị – Ban Chấp hành Trung ương, khóa XI. (2002). Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 18 tháng 11 năm 2002 về Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2010.

Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh. (1980). Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ hai, năm 1980.

Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh. (2005). Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2005 – 2010.

Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh. (2020). Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XI, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.

Võ Văn Kiệt. (2007). Một số vấn đề về tổng kết lý luận và thực tiễn hai mươi năm đổi mới về kinh tế. Nxb Công an Nhân dân.

Võ Văn Kiệt. (2010). Người thắp lửa, Nxb Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh.

Võ Văn Kiệt. (2012). Một nhân cách lớn; Nhà lãnh đạo tài năng; Suốt đời vì nước vì dân. Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội.

Nguyễn Văn Linh. (1985). Thành phố Hồ Chí Minh 10 năm, Nxb.Sự Thật, Hà Nội.

—————–

[1] Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh. (1980). Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ hai – năm 1980, tr. 2.

[2] Nguyễn Văn Linh. (1985). Thành phố Hồ Chí Minh 10 năm, Nxb. Sự Thật, Hà Nội, tr.95.

[3] Nguyễn Văn Linh. (1985)… sđd… tr.83.

[4] Võ Văn Kiệt. (2007). Một số vấn đề về tổng kết lý luận và thực tiễn hai mươi năm đổi mới về kinh tế. Nxb Công an Nhân dân.

[5] Võ Văn Kiệt. (1981). Mấy vấn đề của một thành phố trung tâm công nghiệp. Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, tr.80.

[6] Võ Văn Kiệt. (1981)… sđd… tr.79.

[7] Võ Văn Kiệt. (1981)… sđd… tr.78.

[8] Võ Văn Kiệt. (2012). Một nhân cách lớn; Nhà lãnh đạo tài năng; Suốt đời vì nước vì dân. Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, tr.1-3.

[9] Võ Văn Kiệt. (2010). Người thắp lửa, Nxb Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh, tr.33.

[10] Võ Văn Kiệt. (2010)…sđd…, tr.32.

[11] Võ Văn Kiệt. (2010). Người thắp lửa, Nxb Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh, tr.34.

[12] Võ Văn Kiệt. (2010). Người thắp lửa, Nxb Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh, tr.522.

[13] Hữu Công: 20 năm khát vọng hướng ra biển của Thành phố Hồ Chí Minh,

Truy cập tại: https://vnexpress.net/20-nam-khat-vong-huong-ra-bien-cua-tp-hcm-4260266.html, thứ sáu, ngày 30/7/2021.

[14] Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh. (2005). Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2005 – 2010, tr.13-14.

[15] Bộ Chính trị – Ban Chấp hành TW Đảng – khóa XI. (2002). Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 18 tháng 11 năm 2002 về Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2010, tr.1.

[16] Ngày 9-3-1987, Nghị định số 27-NĐ/СТ về kinh tế tư doanh và Nghị định số 29-NĐ/CT về kinh tế gia đình, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần. Ngày 11-3-1987, Quyết định số 80-CT về việc bãi bỏ các trạm kiểm soát trên tất cả các tuyến giao thông trong cả nước, xóa bỏ ngăn sông cấm chợ… Ngày 14-11-1987, Quyết định số 217-HĐBT về việc giao quyền tự chủ cho các xí nghiệp quốc doanh, xóa bỏ hệ thống chi tiêu kế hoạch áp đặt từ trên xuống…

[17] Bộ Chính trị – Ban Chấp hành TW Đảng – khóa XI. (2002). Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 18 tháng 11 năm 2002 về Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2010, tr.1.

[18] Trường Chinh. (1985). Bài nói của Chủ tịch Trường Chinh với cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 22/1/1985, theo Sách: Nguyễn Văn Linh, Thành phố Hồ Chí Minh 10 năm, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1985, tr.350.

[19] Võ Văn Kiệt. (2012). Một nhân cách lớn; Nhà lãnh đạo tài năng; Suốt đời vì nước vì dân. Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, tr.1-3.

[20] Võ Văn Kiệt. (2010). Người thắp lửa, Nxb Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh, tr.524.

[21] Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh. (2020). Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XI, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tr.193-195.

Chia sẻ:

TIN MỚI

SỰ KIỆN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN