Lợi ích tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 4

Giống như nhiều loại vaccine khác, những người đã tiêm vaccine phòng COVID-19 đầy đủ và đúng hạn sẽ được bảo vệ tốt nhất. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của biến thể Omicron và sự giảm dần khả năng bảo vệ sau tiêm vaccine theo thời gian (đặc biệt là đối với một số nhóm đối tượng nguy cơ). Do đó, nhằm tăng cường miễn dịch phòng bệnh COVID-19 cho những người đã được tiêm chủng, Bộ Y tế đã chỉ đạo về việc tiêm vaccine phòng COVID-19 nhắc lại lần 2 (mũi 4) cho người dân.

Vì sao cần tiêm vaccine phòng COVID-19 nhắc lại lần 2 (mũi 4)?

Trong thời gian qua, vaccine phòng COVID-19 đã cho thấy hiệu quả trong việc bảo vệ mọi người trong việc giảm khả năng bệnh nặng, tránh nhập viện, thậm chí là ngăn ngừa tử vong do COVID-19, đặc biệt ở những người đã tiêm mũi nhắc lại. Trên thế giới, một số quốc gia đã triển khai tiêm các liều tăng cường bổ sung ngoài liều tăng cường đầu tiên (mũi 3). Tuy nhiên, dữ liệu về hiệu quả của các liều tăng cường bổ sung này rất thưa thớt và đặc biệt hạn chế về thời gian bảo vệ thêm.

Theo tổng hợp từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện tại có 7 nghiên cứu về hiệu quả mũi 4 vaccine phòng COVID-19. Trong đó, 6 nghiên cứu từ Israel và 1 nghiên cứu từ Canada. Tất cả đều được tiến hành trong thời gian mà Omicron là biến thể lưu hành phổ biến trên toàn cầu. Mặc dù các nghiên cứu khác nhau về thiết kế và dân số được điều tra nhưng hầu hết đều đánh giá mũi 4 vaccine phòng COVID-19 là có hiệu quả.

Cụ thể, trong số 7 nghiên cứu điều tra việc sử dụng liều vaccine mRNA COVID-19, có 2 nghiên cứu được thực hiện trên nhân viên y tế ở Israel. Kết quả của nghiên cứu thứ nhất cho thấy rằng vaccine đã kích hoạt một phản ứng miễn dịch mạnh mẽ (cả kháng thể IgG và kháng thể trung hòa) đều tăng gấp 9 hoặc 10 lần và vaccine không gây ra tác dụng phụ nào lớn cho đối tượng nghiên cứu. Nghiên cứu thứ hai đã khảo sát những trường hợp nhiễm COVID-19 sau tiêm vaccine ở những nhân viên y tế được tiêm 3 mũi vaccine Pfizer-BioNTech và đưa ra so sánh với những người được tiêm mũi 4 vaccine này. Kết quả cho thấy ở những người được tiêm mũi 4 đã giảm tỷ lệ mắc COVID-19 sau tiêm vaccine so với tỷ lệ được quan sát thấy chỉ sau mũi 3 của vaccine này.

Trong số năm nghiên cứu còn lại, tất cả đều được thực hiện ở những người trên 60 tuổi, không bao gồm những người đã nhiễm COVID-19 trước đó cho thấy mũi 4 vaccine có hiệu quả. Trong số đó, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng tỷ lệ mắc COVID-19 nặng một tháng sau mũi 4 thấp hơn 3,5 lần so với ở nhóm tiêm 3 liều. Nghiên cứu cuối cùng được thực hiện tại Canada cho thấy rằng với mỗi liều bổ sung, hiệu quả vaccine tăng lên đối với bệnh nặng. Cụ thể hiệu quả vắc xin tuyệt đối là 82% (KTC 95%: 75-88%) được đo hơn 84 ngày sau liều thứ ba và 92% (KTC 95%: 87-95%) đối với người nhận liều thứ 4.

Đối tượng nào được tiêm vaccine phòng COVID-19 nhắc lại lần 2 (mũi 4)?

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ) khuyến nghị tiêm nhắc mũi 4 vaccine Pfizer-BioNTech hoặc Moderna COVID-19 ít nhất 4 tháng sau lần tiêm nhắc lại đầu tiên cho các đối tượng gồm người lớn từ 50 tuổi trở lên; Những người từ 12 tuổi trở lên bị suy giảm miễn dịch vừa phải hoặc nghiêm trọng.

Theo đó, ngày 9/5/2022, Bộ Y tế cũng đã có văn bản số 2357/BYT-DP chỉ đạo về việc triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 liều nhắc lại lần 2 (mũi 4) như sau:

– Đối tượng tiêm: Người từ 50 tuổi trở lên, người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng, người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với COVID-19: cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu, công nhân các khu công nghiệp.

– Vaccine sử dụng: Vaccine mRNA (của hãng Pfizer hoặc Moderna sản xuất), vaccine do Astra Zeneca sản xuất, vaccine cùng loại với mũi 3.

– Khoảng cách: Ít nhất là 4 tháng sau mũi 3.

– Người đã mắc COVID-19 sau tiêm mũi 3: Hoãn 3 tháng sau khi mắc COVID-19.

Theo Bộ Y tế, vaccine phòng COVID-19 chính là chìa khóa quan trọng nhất trong phòng, chống dịch và là nền tảng để thích ứng an toàn, hiệu quả. Do đó, mỗi chúng ta hãy tiêm vaccine theo hướng dẫn của ngành y tế.

(Trích nguồn: Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM – https://hcdc.vn)

Chia sẻ:

BÀI VIẾT LIÊN QUAN