Sản xuất phải an toàn

Ngoài tăng cường đầu tư và phát triển cơ sở khám – điều trị bệnh nghề nghiệp, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ người lao động không may bị tai nạn lao động để họ ổn định cuộc sống

Nhiều doanh nghiệp (DN) chưa thật sự quan tâm công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động (AT-VSLĐ) hoặc chỉ làm đối phó. Một bộ phận không nhỏ người lao động (NLĐ) còn chủ quan, vi phạm quy trình làm việc an toàn, từ đó gây nguy hiểm không chỉ cho bản thân mà còn những người xung quanh. Đó là thực trạng được nhiều đại biểu nêu ra tại tọa đàm “Các giải pháp đẩy mạnh công tác AT-VSLĐ trong DN”, do LĐLĐ TP HCM phối hợp với Viện Khoa học AT-VSLĐ (Tổng LĐLĐ Việt Nam) tổ chức mới đây.

Hậu quả nặng nề

Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP HCM, trong năm 2021 đã xảy ra 544 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), giảm 462 vụ so với năm 2020 (giảm 45,92%), trong đó có 542 vụ TNLĐ xảy ra tại các cơ sở, DN có trụ sở hoạt động trên địa bàn thành phố, 2 vụ xảy ra tại các DN có trụ sở hoạt động tại các tỉnh khác nhưng tổ chức hoạt động xây dựng trên địa bàn thành phố. Các vụ TNLĐ không chỉ khiến NLĐ thiệt thòi mà còn ảnh hưởng đến DN, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Trịnh Hồng Lân, Phân viện trưởng Phân viện Khoa học AT-VSLĐ và Bảo vệ môi trường miền Nam, cho biết số người mắc mới bệnh nghề nghiệp (BNN) hằng năm vẫn ở mức cao và chưa có dấu hiệu giảm. Số người mắc BNN cộng dồn đến năm 2018 là 29.725.

Có 3 BNN có số mắc cao nhất gồm: bệnh bụi phổi silic (74%), bệnh điếc nghề nghiệp và bệnh da nghề nghiệp. Khai khoáng, vật liệu xây dựng, cơ khí, sản xuất và sử dụng hóa chất là những ngành nghề có tỉ lệ mắc BNN cao nhất.

Tuy nhiên, điều đáng lo nhất là việc quản lý, khám sức khỏe về BNN cho NLĐ vẫn đưa được DN quan tâm đúng mức. Hầu hết DN, các phòng khám – điều trị BNN chỉ khám các bệnh trong danh mục 34 BNN được bảo hiểm mà chưa khám các BNN nằm ngoài danh mục.

Bên cạnh đó, hệ thống các cơ sở khám, phát hiện BNN còn nhiều hạn chế về số lượng và chất lượng. Hiện cả nước chỉ có hơn 60 phòng khám BNN có đủ pháp nhân khám bệnh, có tỉnh chưa có phòng khám BNN.

Ngoài hậu quả gây bệnh tật và các hậu quả xã hội, thiệt hại do BNN gây ra cũng rất lớn. Thiệt hại vật chất hàng chục tỉ đồng/năm; tiền bồi thường, trợ cấp từ người sử dụng lao động mất hàng trăm tỉ đồng mỗi năm. Ngoài ra còn những thiệt hại do NLĐ phải nghỉ việc cũng rất lớn, trung bình mất đến 500.000 ngày công/năm giai đoạn 2016-2020.

Theo báo cáo của ngành y tế năm 2019, tỉ lệ nghỉ ốm trong công nhân là khoảng 25% và tổng số ngày nghỉ ốm là khoảng 1 triệu ngày. Từ thực tế này, ông Trịnh Hồng Lân đề xuất: “Quỹ Bảo hiểm TNLĐ và BNN nên hỗ trợ toàn bộ chi phí khám BNN cho NLĐ. Các ngành chức năng cần tăng cường đầu tư và phát triển cơ sở khám – điều trị BNN, đặc biệt là chính sách hỗ trợ NLĐ không may bị TNLĐ ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, cần quan tâm đúng mức công tác thanh tra, kiểm tra về hoạt động AT-VSLĐ tại các DN”.

Công ty CP Cơ khí – Xây dựng – Thương mại Đại Dũng là doanh nghiệp luôn bảo đảm điều kiện làm việc an toàn cho công nhân

Chủ động ngăn ngừa rủi ro

Theo các đại biểu, cả DN và NLĐ đều biết đến AT-VSLĐ nhưng để có cái nhìn tổng quan, hiểu rõ, nắm chắc quy trình thì con số này còn khiêm tốn. Điều này khiến TNLĐ hay BNN vẫn xảy ra – nhất là lao động ở khu vực phi chính thức, lao động trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có quy mô nhỏ.

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Cơ khí – Xây dựng – Thương mại Đại Dũng (KCN An Hạ, huyện Bình Chánh, TP HCM), cho rằng TNLĐ xảy ra một phần do lực lượng an toàn – vệ sinh viên (AT-VSV) chưa kiên quyết đấu tranh với những vi phạm do ngại va chạm, cả nể. Một số AT-VSV cũng là công nhân trực tiếp sản xuất kiêm nhiệm nhiều việc, hạn chế về khả năng tuyên truyền, vận động, thuyết phục.

Từ thực tiễn hoạt động của mạng lưới AT-VSV tại DN, ông Hùng cho rằng Công đoàn cơ sở cần chủ động thương lượng đưa vào nội quy lao động của DN nội dung cấm cản trở, gây khó khăn cho hoạt động của AT-VSV. Bên cạnh đó, cần kịp thời đề xuất các chế độ, chính sách về bảo hộ lao động; kiểm tra, giám sát để sớm nhận diện các nguy cơ và phòng ngừa TNLĐ.

“Ngoài phối hợp với Công đoàn xây dựng và duy trì hiệu quả hoạt động của mạng lưới AT-VSV, người sử dụng lao động cũng cần lắng nghe các kiến nghị, đề xuất của Công đoàn để có giải pháp khắc phục, xử lý các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc” – ông Hùng góp ý.

Tương tự, bà Huỳnh Anh Thư, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan), cho rằng việc lãnh đạo DN có nhận thức đúng đắn và xác định AT-VSLĐ là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình sản xuất – kinh doanh để đề ra định hướng, giải pháp hữu hiệu, qua đó góp phần hạn chế TNLĐ.

Tại Vissan, mỗi năm, Công đoàn phối hợp với Hội đồng AT-VSLĐ tổ chức tập huấn ít nhất 2 lần về công tác AT-VSLĐ cho toàn thể NLĐ. Mạng lưới AT-VSV công ty gồm 104 người, chủ yếu là công nhân trẻ – những người có kinh nghiệm trong sản xuất, am hiểu về công tác AT-VSLĐ. Lực lượng này đã tích cực phối hợp với các phòng, ban liên quan thường xuyên kiểm tra, giám sát AT-VSLĐ tại các bộ phận, kịp thời nhắc nhở công nhân chấp hành tốt nội quy lao động. Với cách làm bài bản này, công ty rất ít khi xảy ra TNLĐ.

“Bảo đảm AT-VSLĐ là trách nhiệm của mỗi DN bởi không chỉ bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho NLĐ mà còn góp phần vào sự phát triển của DN.

Do vậy, ngoài chủ động xây dựng kịch bản phòng ngừa TNLĐ ở những khu vực tiềm ẩn nguy cơ TNLĐ, DN cần thường xuyên tuyên truyền, huấn luyện cho NLĐ; củng cố và nâng cao chất lượng mạng lưới AT-VSV” – ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, lưu ý.

(Nguồn : Bài và ảnh: HỒNG ĐÀO; nld.com.vn)

Chia sẻ:

TIN MỚI

SỰ KIỆN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN