Đại biểu Quốc hội cho rằng, người lao động đang rất “ngóng chờ” chính sách tăng lương tối thiểu vùng. Bởi, thời gian vừa qua, người lao động đã chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Đến thời điểm này, người lao động cần được chia sẻ khó khăn sau thời gian kiệt quệ vì dịch và giá hàng hoá tăng cao.
Người lao động ngóng chờ tăng lương tối thiểu vùng
Tại dự thảo tờ trình, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất quy định các mức lương tối thiểu tháng theo 4 vùng: vùng I là 4.680.000 đồng/tháng; vùng II là 4.160.000 đồng/tháng; vùng III là 3.640.000 đồng/tháng và vùng IV là 3.250.000 đồng/tháng.
Mức lương tối thiểu nêu trên tăng bình quân 6% (tương ứng tăng từ 180.000 đồng – 260.000 đồng) so với mức lương tối thiểu hiện hành. Bộ đề nghị quy định thời điểm thực hiện mức lương tối thiểu từ ngày 1.7 như Hội đồng Tiền lương quốc gia đã khuyến nghị với Chính phủ.
Tại Quốc hội, Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắc Lắk) cho biết, việc tăng lương tối thiểu còn có nhiều ý kiến khác nhau. Về phía người lao động, nhất là đối với những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động sẽ chịu tác động lớn bởi chính sách điều chỉnh lương tối thiểu vùng, khi chi phí đi kèm “đội lên” không hề nhỏ. Có những doanh nghiệp sử dụng từ 4.000 – 5.000 lao động, thậm chí có doanh nghiệp có đến 10.000 lao động.
Tuy vậy, người lao động đang rất “ngóng chờ” chính sách này. Theo bà Xuân, thời gian vừa qua, người lao động đã chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, nhất là trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp; người lao động phải làm việc 3 tại chỗ và đồng ý tăng giờ làm thêm.
“Trước năm 2020, thông lệ việc tăng lương tối thiểu vùng được điều chỉnh từ ngày 1.1 hằng năm. Tiền lương tối thiểu của người lao động mỗi năm được tăng từ 5-7%.
Nhưng hai năm qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tỉ lệ lao động thiếu việc làm tăng cao, trong khi tiền lương tối thiểu vùng không tăng khiến đời sống của người lao động gặp nhiều khó khăn. Đến thời điểm này, người lao động cần được chia sẻ khó khăn sau thời gian kiệt quệ vì dịch và giá hàng hoá tăng cao”, bà Xuân khẳng định.
Theo nữ Đại biểu Quốc hội, việc tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1.7 là cần thiết, đúng đắn. Thời gian đầu, doanh nghiệp có thể gặp khó khăn với chính sách tăng lương tối thiểu vùng, nhưng về lâu dài, việc tăng lương không chỉ giúp lao động có thêm thu nhập, mà giúp ích cả doanh nghiệp có thêm động lực để phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
“Tăng lương sớm có ý nghĩa thiết thực để người lao động ổn định đời sống; giúp giữ chân lao động; động viên tinh thần người lao động gắn bó, làm việc hăng say, tăng năng suất lao động, mang lại lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp”, bà Xuân nói và cho biết, chính sách này cũng thể hiện tính ưu việt của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa – tăng trưởng kinh tế gắn với duy trì và nâng cao phúc lợi, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
“Vì vậy, tôi đề nghị, Chính phủ quyết định tăng lương tối thiểu với người lao động theo hợp đồng từ ngày 1.7.2022 như Tờ trình của Bộ Lao Động – Thương binh và Xã hội và kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và theo nguyện vọng của hàng triệu lao động”, bà Xuân nói.
Cần sớm tăng lương tối thiểu vùng
Đồng quan điểm, Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) cho rằng, người lao động là tài sản quý giá của đất nước, người lao động cần phải được đãi ngộ xứng đáng, phải được đặt vào trung tâm của các chính sách để được hưởng thành quả từ sự phát triển của đất nước, của dân tộc.
Để bảo vệ và phát triển tài sản quý giá này, Đại biểu Nghĩa kiến nghị Chính phủ cần chỉ đạo Hội đồng tiền lương quốc gia sớm thương lượng tăng lương tối thiểu năm 2023 để bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ như quy định của Bộ Luật Lao động.
Chính phủ cần nghiên cứu, giao cơ quan độc lập, có thể là cơ sở nghiên cứu để công bố, phản biện lại mức sống tối thiểu do cơ quan thống kê công bố, đảm bảo tính khách quan, khoa học. Đây cũng là kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới. Đồng thời nghiên cứu điều chỉnh mức lương tối thiểu giờ cao hơn hẳn so với mức trung bình thu nhập tháng.
Đại biểu Nghĩa cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ khẩn trương ban hành Chiến lược phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2045 nhằm thực hiện đột phá chiến lược về nguồn nhân lực.
Nguồn: Báo Lao động Online – Đại biểu Quốc hội đề nghị cần tăng lương tối thiểu vùng từ 1.7.2022 (laodong.vn)