Lương đủ sống được định nghĩa là thu nhập tối thiểu cần thiết để người lao động đáp ứng các nhu cầu cơ bản của họ.
Đại hội XIII của Đảng đề ra mục tiêu: “Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; phải có cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước; mọi chính sách của Đảng, Nhà nước đều phải hướng vào nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của Nhân dân”. Đây chính là cơ sở quan trọng của vấn đề “lương đủ sống” ở Việt Nam.
Lương tối thiểu mới chỉ đáp ứng mức sống tối thiểu về mặt sinh học
Ngày 12.4, Hội đồng Tiền lương Quốc gia bỏ phiếu thống nhất trình Chính phủ phương án đề xuất tăng lương tối thiểu vùng thêm 6% từ ngày 1.7.2022, tức tăng 180.000 – 260.000 đồng so với hiện nay. Đây là một đề xuất rất quan trọng và kịp thời sau 2 năm gián đoạn việc tăng lương tối thiểu vùng do COVID-19 khiến đời sống của người lao động gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, mức lương tối thiểu mới chỉ là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu. Điều này cho thấy lương tối thiểu mới chỉ đáp ứng mức sống tối thiểu về mặt sinh học (bao gồm thực phẩm, nhà ở và nhu cầu thiết yếu như quần áo…). Trong khi đó, mức sống tối thiểu cần nhiều hơn thế.
Tiền lương không chỉ là sự bù đắp cho sức lao động. Nó là một phương tiện để đảm bảo cuộc sống và nó dẫn đến các chính sách công giải quyết cả mức lương và sự phù hợp của nó. Tuyên ngôn Thế giới về Nhân quyền của Liên hợp quốc (điều 23) quy định: “Mọi người làm việc đều có quyền được hưởng thù lao công bằng và thuận lợi, đảm bảo cho bản thân và gia đình một sự tồn tại xứng đáng với phẩm giá con người”.
Lương đủ sống là gì?
Lương đủ sống được định nghĩa là thu nhập tối thiểu cần thiết để người lao động đáp ứng các nhu cầu cơ bản của họ. Mục tiêu của mức lương đủ sống là cho phép người lao động có được mức sống cơ bản thông qua việc làm mà không cần trợ cấp của chính phủ.
Mức lương đủ sống khác với mức lương tối thiểu ở chỗ không thể đáp ứng các yêu cầu về chất lượng cuộc sống cơ bản khiến người lao động phải phụ thuộc vào các chương trình trợ cấp của nhà nước để có thêm thu nhập. Về mặt kinh tế, tiền lương đủ sống tương tự như tiền lương tối thiểu vì nó là giá sàn cho sức lao động. Tuy nhiên. lương đủ sống là cơ sở để người lao động không chỉ nuôi sống bản thân, mà còn để nuôi gia đình.
Kinh nghiệm quốc tế
Tại Australia, một phán quyết từ năm 1907 đã thiết lập rằng người sử dụng lao động có nghĩa vụ trả cho nhân viên của mình mức lương đảm bảo cho họ mức sống hợp lý. Mục tiêu là nhằm tạo cho “một con người trong một cộng đồng văn minh được sống trong sự thoải mái thanh đạm được ước tính theo tiêu chuẩn hiện tại. Và điều đó không phụ thuộc vào khả năng trả lương của người sử dụng lao động”.
Ở Vương quốc Anh và New Zealand, lương đủ sống có nghĩa là một người làm việc 40 giờ một tuần, phải có đủ khả năng trang trải những điều cơ bản cho một cuộc sống khiêm tốn nhưng ở mức khá (chẳng hạn như thức ăn, chỗ ở, tiện ích, giao thông, chăm sóc sức khỏe, giữ trẻ). Người ta định nghĩa lương đủ sống là mức lương tương đương với mức nghèo của một gia đình bốn người. Chính quyền London (GLA) sử dụng là mức ngưỡng lương được tính theo thu nhập bằng 60% mức trung bình và thêm 15% để dự phòng cho các sự kiện không lường trước được. Do đó, từ ngày 1.4.2016, mức lương tối thiểu đã được trả như một mức lương đủ sống bắt buộc ở cấp quốc gia.
Ở Mỹ, đến năm 2003, có 122 sắc lệnh về lương đủ sống ở các thành phố của Mỹ và 75 sắc lệnh bổ sung đang được thảo luận.
Ở Châu Á, năm 2009, liên minh “Mức lương sàn Châu Á” được thiết lập, có các hiệp hội thành viên ở Bangladesh, Campuchia, Hong Kong (Trung Quốc), Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Pakistan, Philippines, Sri Lanka, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, cùng một số người ủng hộ ở Châu Âu và Bắc Mỹ. Chiến dịch nhắm vào các nhà tuyển dụng đa quốc gia không trả mức lương đủ sống cho công nhân các nước đang phát triển của họ, tập trung vào sản xuất hàng dệt may.
Tác động của lương đủ sống
Đối với xã hội, các nghiên cứu cho thấy lương đủ sống đóng góp tích cực làm giảm nghèo. Bởi những người lao động đủ tiêu chuẩn áp dụng lương đủ sống hiện đang nằm trong nhóm những nhóm nghèo nhất. Đối với doanh nghiệp, người lao động được trả mức lương đủ sống có nhiều khả năng ủng hộ tổ chức mà họ làm việc theo nhiều cách khác nhau, bao gồm: Bảo vệ hình ảnh công cộng của tổ chức; giúp đồng nghiệp giải quyết vấn đề; cải thiện kỹ năng và kỹ thuật của họ; cung cấp đề xuất hoặc lời khuyên cho nhóm quản lý, và tăng cường sự quan tâm đến tổ chức.
Ý nghĩa đối với Việt Nam
Ở Việt Nam, mức lương tối thiểu vùng cũng được thiết lập chủ yếu nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu về mặt sinh học. Tuy nhiên, với cú sốc như đại dịch COVID-19 và tình trạng bão giá như hiện nay, đặt ra yêu cầu cần tính toán và xây dựng mức lương đủ để bảo đảm cuộc sống cho người lao động. Trên thực tế, mức lương tối thiểu thấp khiến người lao động bị vắt kiệt sức lao động khi buộc phải đăng ký tăng ca, làm thêm để có thể duy trì cuộc sống tối thiểu (hầu như không có tích lũy, dự phòng). Những vấn đề về thời giờ nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, chăm sóc, giáo dục con cái, chăm sóc cha mẹ, thụ hưởng giá trị cuộc sống và thành quả lao động… gần như chưa được đưa vào một cách đầy đủ để tính toán mức lương tối thiểu vùng. Đó chính là cơ sở cấp thiết để sớm thiết lập lương đủ sống ở Việt Nam.
Đây cũng là cơ sở để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư cải tiến công nghệ, thay đổi phướng thức sản xuất; người lao động tích cực học tập, nâng cao trình độ, năng suất lao động… hướng đến mục tiêu sớm đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại.
TS NHẠC PHAN LINH – PHÓ VIỆN TRƯỞNG VIỆN CÔNG NHÂN VÀ CÔNG ĐOÀN (Báo Lao Động)