Nhiều doanh nghiệp đã chủ động điều chỉnh tăng tiền lương cho người lao động song việc Chính phủ sớm điều chỉnh lương tối thiểu trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết
Tăng lương là lương tâm, trách nhiệm
Chính vì những khó khăn trong mưu sinh của số đông CN, ông Vũ Quang Thọ cho rằng việc tăng LTT trong lúc này là lương tâm, trách nhiệm của toàn xã hội.
TS Nhạc Phan Linh, Phó Viện trưởng Viện CN và Công đoàn, cho biết mức LTT thấp khiến người lao động (NLĐ) bị vắt kiệt sức khi buộc phải đăng ký tăng ca, làm thêm để có thể duy trì cuộc sống tối thiểu (hầu như không có tích lũy, dự phòng). Ông Linh cung cấp thông tin: Thu nhập bình quân của CN quý III/2021 thấp hơn đáng kể so với quý II/2020 (5,2 triệu đồng so với 5,5 triệu đồng), trong khi quý II/2020 đã ghi nhận thu nhập bình quân của NLĐ là mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. “NLĐ đang ở trong giai đoạn khó khăn nhất, vì vậy việc tăng lương là rất cần thiết” – ông Linh nói.
TS Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện CN và Công đoàn, nhấn mạnh CN phải được bảo đảm cuộc sống, nghĩa là sống để làm việc, chứ không phải làm việc để sống. Do đó, họ cần được bảo đảm tiền lương để chi trả cuộc sống bản thân và gia đình họ, chứ không bị vấn đề cơm áo, gạo tiền luôn đè nặng trong tâm trí.
“Nếu không làm thêm giờ, tiền lương cơ bản của CN chỉ ở mức trung bình 4,92 triệu đồng/tháng. Hầu hết những gia đình CN sẽ rơi vào khó khăn, túng quẫn ngay cả khi họ không làm thêm giờ. Có lẽ vì làm việc vất vả nhưng lương thấp, nên có tới 72% không muốn con mình sau này theo nghề nghiệp của mình” – ông Tiến cho biết.
Dẫn chứng thực trạng hết sức khó khăn của NLĐ từ khảo sát 2.016 CN ở các vùng vừa được công bố tháng 4-2022 của Viện CN và Công đoàn, bà Phạm Thu Lan – Phó viện trưởng Viện CN và Công đoàn, cho biết: 55,6% cho biết tiền lương và thu nhập chỉ vừa đủ trang trải chi phí cơ bản cuộc sống; 23,2% cho biết họ phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ mới đủ và 13,2% cho biết thu nhập hiện nay không đủ sống mức sống cơ bản tối thiểu.
Trong tổng số 269 NLĐ (hơn 10%) tham gia khảo sát là chưa lập gia đình có tới 54,6% cho biết tiền lương, thu nhập thấp nên chưa dám lập gia đình vì e ngại không đủ tài chính bảo đảm cho gia đình sau này; 52,9% NLĐ đã lập gia đình cho biết tiền lương thu nhập hiện tại ảnh hưởng đến quyết định sinh con.
Công nhân cạn kiệt tích lũy
Ông Lê Đình Quảng – Phó trưởng Ban Chính sách Pháp luật, Tổng LĐLĐ Việt Nam – cho biết cơ quan này thống kê có tổng cộng 591 cuộc đình công tự phát, ngừng việc tập thể từ năm 2018 đến nay. Các cuộc đình công có xu hướng giảm qua từng năm song lại tăng đột biến trong quý I/2022. Nguyên nhân hầu hết do doanh nghiệp (DN) chậm chi trả lương, thưởng Tết, chất lượng bữa ăn ca kém…
Việc chậm điều chỉnh LTT và tác động của đại dịch khiến NLĐ giảm sút thu nhập, mất việc làm, trong khi phát sinh chi phí phòng chống dịch cùng các mặt hàng đội giá khiến NLĐ cạn kiệt tích lũy. Họ ngừng việc, yêu cầu tăng lương cơ bản, ăn ca, phụ cấp nuôi con nhỏ. Mới đây, hơn 1.500 CN làm việc tại công ty sản xuất da giày ở Nam Định đình công, yêu cầu ông chủ người Đài Loan tăng lương. 400 CN đã viết đơn nghỉ việc khi yêu cầu không được đáp ứng.
“Nhiều DN đã chủ động điều chỉnh tăng tiền lương và chế độ đãi ngộ cho NLĐ, song có DN dù có điều kiện song vẫn trông chờ vào điều chỉnh LTT để làm căn cứ thương lượng. Do vậy, việc Chính phủ sớm điều chỉnh LTT là điều cần thiết trong bối cảnh này” – ông Quảng dẫn báo cáo của HĐTLQG gửi Thủ tướng và nhấn mạnh phải tăng LTT vùng từ ngày 1-7 tới đây chứ không đợi đến 1-1-2023.
Ông Nguyễn Tràng Huy, trợ lý giám đốc Công ty Việt Pacific (quận Hà Đông, TP Hà Nội), cho biết đơn hàng thời điểm này ổn định, thậm chí tăng, bảo đảm thu nhập bình quân 7,5 triệu đồng/tháng cho CN. Công ty đang trả lương cơ bản cho NLĐ cao hơn LTT vùng, với mức tăng 6% DN vẫn cân đối được quỹ lương, tiền đóng BHXH. Theo ông Huy, 2 năm không điều chỉnh lương, thêm dịch bệnh khiến nhiều CN bỏ việc, số lao động giảm từ 1.500 lao động còn 1.200.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Phó Phòng Tài chính, Công ty Chiếu sáng và Thiết bị đô thị Hà Nội, cho biết thu nhập của CN năm 2020 khoảng 12 triệu đồng/tháng và giảm còn 11,5 triệu đồng vào năm 2021 do ảnh hưởng của dịch. Do đó, tăng LTT vùng tác động không lớn tới quỹ lương DN này mà ảnh hưởng chủ yếu tới chi phí đóng BHXH, BHYT. Bà Nhung cho rằng LTT tăng 6% thì chi phí đóng BHXH cũng tăng tương ứng. Công ty tính toán với 400 lao động, tiền đóng BHXH sẽ tăng khoảng 500 triệu đồng, vẫn nằm trong dự tính chi trả được.
Tăng lương, chi phí sản xuất tăng không đáng kể
TS Phạm Thu Lan cho biết qua khảo sát gần 200 DN thuộc nhiều lĩnh vực dệt may, da giày, điện tử, dịch vụ… tại 10 tỉnh, thành phố, nhiều DN thiện chí tăng lương và 69,8% trả lời đồng ý tăng từ ngày 1-7 chứ không chờ đến đầu năm sau, số còn lại chưa ủng hộ hoặc không có ý kiến. Với mức tăng LTT 6%, chi phí sản xuất của DN tăng trung bình 0,4%-0,5%, riêng ngành dệt may tăng 1%-1,1%.
Khảo sát của Trung tâm Quan hệ lao động (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) chỉ rõ biên độ lợi nhuận của các DN dệt may, da giày tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu khoảng 5%-6%. “Chi phí sản xuất tăng khoảng 1,1% là mức không đáng kể so với biên độ lợi nhuận của các DN thâm dụng lao động” – bà Lan kết luận.
Tác giả: VĂN DUẨN – Báo Người Lao động
Nguồn: https://nld.com.vn/cong-doan/nhieu-doanh-nghiep-ung-ho-tang-luong-toi-thieu-20220502190217945.htm