* Giới thiệu:
1. Ủy ban kiểm tra là cơ quan kiểm tra của công đoàn được thành lập ở các cấp công đoàn, do Ban Chấp hành công đoàn cấp đó bầu ra và phải được công đoàn cấp trên trực tiếp công nhận.
2. Ủy ban kiểm tra công đoàn mỗi cấp chịu sự lãnh đạo của Ban Chấp hành công đoàn cấp đó và sự chỉ đạo của Ủy ban kiểm tra công đoàn cấp trên.
3. Số lượng ủy viên Ủy ban kiểm tra do Ban Chấp hành công đoàn cùng cấp quyết định, gồm một số ủy viên trong Ban Chấp hành và một số ủy viên ngoài Ban Chấp hành; số ủy viên Ban Chấp hành không được vượt quá một phần ba (1/3) tổng số ủy viên Ủy ban kiểm tra.
4. Việc bầu Ủy ban kiểm tra, Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra tiến hành bằng hình thức bỏ phiếu kín. Người trúng cử phải có số phiếu bầu quá một phần hai (1/2) so với tổng số phiếu thu về.
Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra công đoàn mỗi cấp, do Ban Chấp hành công đoàn cấp đó bầu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra do Ủy ban kiểm tra bầu.
Tổ chức cơ sở của công đoàn có dưới 30 đoàn viên thì cử một Ủy viên Ban Chấp hành công đoàn làm nhiệm vụ kiểm tra.
5. Khi mới thành lập hoặc tách, nhập tổ chức công đoàn, công đoàn cấp trên trực tiếp chỉ định Ủy ban kiểm tra, Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra lâm thời.
6. Nhiệm kỳ của Ủy ban kiểm tra theo nhiệm kỳ của Ban Chấp hành công đoàn cùng cấp.
7. Ủy viên Ủy ban kiểm tra các cấp là cán bộ chuyên trách công đoàn khi thôi không là cán bộ chuyên trách công đoàn thì thôi tham gia Ủy ban kiểm tra. Ủy viên Ủy ban kiểm tra khi chuyển công tác ra khỏi ngành hoặc địa phương, đơn vị thì thôi tham gia Ủy ban kiểm tra công đoàn ở ngành, địa phương, đơn vị đó. Ủy viên Ủy ban kiểm tra các cấp khi nghỉ hưu, thôi việc thì thôi tham gia Ủy ban kiểm tra kể từ thời điểm nghỉ hưu hoặc thôi việc ghi trong quyết định.
* Chức năng:
Giúp Uỷ ban Kiểm tra thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam và Quy chế hoạt động của ủy ban kiểm tra do Ban Chấp hành thông qua. Chủ trì phối hợp với các ban và cùng các cơ quan liên quan giải quyết đơn thư khiếu tố của CNVCLĐ. Theo dõi, hướng dẫn việc giải quyết đơn thư khiếu tố của các cấp công đoàn.
* Nhiệm vụ:
1. Giúp Ban Chấp hành, Ban Thường vụ thực hiện kiểm tra việc chấp hành Điều lệ Công đoàn đối với công đoàn cùng cấp và cấp dưới.
2. Kiểm tra công đoàn cùng cấp và cấp dưới khi tổ chức, cán bộ và đoàn viên có dấu hiệu vi phạm Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị và các quy định của công đoàn.
3. Kiểm tra việc thu, phân phối, sử dụng, quản lý tài chính, tài sản, hoạt động kinh tế của công đoàn cùng cấp và cấp dưới theo quy định của pháp luật và của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
4. Giúp Ban Chấp hành, Ban Thường vụ: giải quyết các khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của công đoàn; tham gia với các cơ quan chức năng Nhà nước và người sử dụng lao động giải quyết khiếu nại, tố cáo của đoàn viên, người lao động theo quy định của pháp luật.
5. Tổ chức bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ công tác kiểm tra đối với ủy viên Ủy ban kiểm tra công đoàn cùng cấp và cấp dưới.
* Quyền hạn:
1. Ủy viên Ủy ban kiểm tra được tham dự các hội nghị của Ban Chấp hành và đại hội hoặc hội nghị đại biểu công đoàn cùng cấp.
2. Báo cáo với Ban Chấp hành công đoàn cùng cấp về hoạt động kiểm tra công đoàn và đề xuất các nội dung, chương trình công tác của Ủy ban kiểm tra trong các kỳ họp thường kỳ của Ban Chấp hành.
3. Yêu cầu đơn vị và người chịu trách nhiệm của đơn vị được kiểm tra báo cáo, cung cấp các tài liệu cho công tác kiểm tra và trả lời những vấn đề do Ủy ban kiểm tra nêu ra.
4. Báo cáo kết luận kiểm tra và đề xuất các hình thức xử lý với cơ quan thường trực của Ban Chấp hành công đoàn cùng cấp. Những kiến nghị của Ủy ban kiểm tra không được cơ quan thường trực giải quyết thì Ủy ban kiểm tra có quyền báo cáo với Ban Chấp hành công đoàn cùng cấp và báo cáo lên Ủy ban kiểm tra công đoàn cấp trên.
5. Ủy viên Ủy ban kiểm tra được học tập, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ về công tác kiểm tra.
Cán bộ phụ trách Ủy ban kiểm tra Công đoàn quận
Đồng chí Nguyễn Thị Nguyệt Thủy, Phó Chủ tịch LĐLĐ quận.